Nghị định số 28/2021/NĐ-CP: Gỡ vướng dự án đầu tư PPP

11:01 | 02/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP có nhiều nội dung mới so với quy định quản lý tài chính dự án PPP ở giai đoạn trước, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân, các cơ quan nhà nước...

8

Các dự án dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

PV: Nghị định 28/2021/NĐ-CP (NĐ 28) quy định cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa ban hành được đánh giá đã khắc phục hạn chế cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các dự án PPP. Ông có thể cho biết điểm mới cơ bản của nghị định này?

Ông Lê Tuấn Anh: So với quy định trước đây, NĐ 28 có nhiều điểm mới. Đơn cử như nguyên tắc xác định dòng tiền trong phương án tài chính dự án PPP là dòng tiền sau thuế. Quy định này đảm bảo phản ánh đầy đủ các chi phí (chi phí thuế) của dự án, đảm bảo tính thống nhất trong lập phương án tài chính dự án PPP.

anh
Ông Lê Tuấn Anh

Đồng thời NĐ 28 đã bỏ quy định về mức trần lãi suất vốn vay như các quy định tại các văn bản pháp luật trước đây, đảm bảo mức lãi suất vốn vay tiệm cận được mức lãi suất cho vay thực tế trên thị trường tín dụng, phản ánh đúng chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, căn cứ xác định vốn chủ sở hữu đã được quy định rõ ràng, phù hợp với tính thời điểm của nguồn vốn chủ sở hữu, song đảm bảo tính linh hoạt và minh bạch trong thực hiện.

Ngoài ra, điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp (DN) dự án PPP được quy định theo hướng chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu. Theo đó, DN dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu sau khi đã ký hợp đồng PPP và phải tuân thủ quy định của Luật PPP, pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Giá trị tài sản công tham gia dự án PPP được xác định thông qua hình thức thẩm định giá, nhằm đảm bảo giá trị tài sản công phù hợp với giá thị trường…

PV: NĐ 28 được xây dựng còn nhằm hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính. Đâu là những quy định để thu hút các nhà đầu tư này, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Anh: NĐ 28 đã đưa ra quy định, cơ quan ký kết hợp đồng là đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận khối lượng và giá trị thanh toán trong hồ sơ thanh toán phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, thanh toán cho DN dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Quy định mới này đảm bảo nguyên tắc cơ quan ký kết hợp đồng là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước nhà nước và DN dự án trong triển khai thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, các quy định về công tác quyết toán vốn công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng trên quan điểm tôn trọng quy định trong hợp đồng PPP đã ký.

Đặc biệt, để thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự cho các dự án PPP, NĐ 28 đã hướng dẫn cụ thể về hạch toán các khoản chia sẻ doanh thu tăng, giảm đối với DN dự án PPP và ngân sách nhà nước; trình tự, thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sử dụng dự phòng ngân sách thanh toán cho DN dự án PPP; trình tự, thủ tục thanh toán phần chia sẻ giảm doanh thu từ nguồn vốn dự phòng ngân sách.

PV: Như vậy, NĐ 28 đã có rất nhiều quy định “cởi mở” hơn. Vậy theo ông, để nghị định thực sự đi vào cuộc sống, cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý thêm điều gì?

Ông Lê Tuấn Anh: Do cơ chế đầu tư PPP là hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó mỗi bên theo đuổi một mục đích riêng nên thiết kế chính sách của nhà nước là một luật chơi do nhà nước chủ động đặt ra phản ánh kỳ vọng cần đạt của phía nhà nước, nên chắc chắn không đáp ứng được toàn bộ mong đợi của các bên. Đối với các nhà đầu tư có năng lực, nghiêm túc muốn tham gia vào thị trường PPP Việt Nam thì chính sách PPP nói chung và các nội dung về cơ chế tài chính thật sự là một bước tiến tiệm cận tới bình đẳng, minh bạch trong hợp tác giữa hai bên.

Tuy nhiên, trên phương diện tài chính để có thể triển khai một dự án PPP theo cơ chế mới, các bên cần đánh giá đầy đủ, chính xác mục tiêu, lợi ích thu được khi tham gia vào một dự án PPP.

Cơ chế PPP không phải là giải pháp tối ưu đối với mọi dự án; với cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương khi quyết định chủ trương đầu tư một dự án PPP phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của mình. Việc nhận định, phân tích nhu cầu và các phương án có thể áp dụng phải được chuẩn bị và thực hiện nghiêm túc, khoa học, có trách nhiệm bởi các cơ quan liên quan. Nguyên tắc cốt lõi là phải chứng minh được việc áp dụng phương thức thực hiện PPP đem lại hiệu quả hơn các phương án truyền thống khác, cụ thể là đầu tư công.

Đây có thể nói là một điểm yếu của hệ thống cơ quan nhà nước trong giai đoạn vừa qua. Với quy định mới của chính sách PPP, thông qua phương án tài chính và các đánh giá khác, cơ quan nhà nước bắt buộc phải đánh giá để rút ra kết luận có nên làm PPP hay không.

Từ yêu cầu, nhận thức mới đòi hỏi đồng thời chất lượng rất cao của cả khâu xây dựng và khâu thẩm định các báo cáo dự án của cơ quan nhà nước.

Đối với nhà đầu tư, với hướng dẫn khá chi tiết về nội dung phương án tài chính trong nghị định sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt được toàn bộ cơ chế gồm yêu cầu, đối tượng, quy trình, điều kiện, thủ tục sử dụng nguồn vốn nhà nước để từ đó xây dựng phương án đầu tư của mình làm cơ sở xây dựng bài thầu cụ thể khi tham gia đấu thầu thực hiện dự án PPP.

Quy định nội dung phương án tài chính đặt ra yêu cầu nhà đầu tư phải nghiên cứu nghiêm túc, tính đúng, tính đủ các chi phí, lợi ích, rủi ro có thể xảy ra và phương án xử lý nếu tham gia để từ đó đưa ra quyết định cho mình. Đối với các nhà đầu tư chưa đủ năng lực sẽ không quá mất công sức vào khâu chuẩn bị, theo đuổi dự án trước khi ra quyết định…

PV: Xin cảm ơn ông!

Tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư PPP


Trên cơ sở nhiệm vụ được Quốc hội giao, Bộ Tài chính đã chủ trì, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Nội dung cơ bản của Nghị định tập trung vào hướng dẫn các nội dung tài chính cần thiết trong một dự án PPP; hướng dẫn trình tự quản lý, thủ tục sử dụng vốn nhà nước (vốn đầu tư và tài sản công) tham gia vào các dự án PPP bao gồm tham gia trực tiếp và cơ chế chia sẻ doanh thu khi rủi ro xảy ra.

Vân Hà (thực hiện)

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam