Tabmis - “đòn bẩy” tiến nhanh tới Kho bạc điện tử

10:10 | 31/03/2021 Print
(TBTCVN) - Kho bạc Nhà nước đã phát triển không ngừng và có bước tiến vượt bậc khi trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020, như đúng lộ trình đã đề ra. Trong sự thành công này phải kể đến “dấu ấn” Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc).

kb

Các công chức Kho bạc Nhà nước tập huấn sử dụng hệ thống Tabmis

Gọi là “dấu ấn” bởi Tabmis chính là “xương sống”, là “đòn bẩy” đưa kho bạc tiến nhanh tới kho bạc điện tử.

Nhớ lại “cái thuở ban đầu” gian nan ấy

Để phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) theo xu hướng hiện đại, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã giao KBNN xây dựng và vận hành Tabmis - một cấu phần quan trọng của Dự án cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì.

Những cán bộ kho bạc tham gia vào xây dựng và vận hành Tabmis khi ấy, có người nay đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác, nhưng khi nhớ lại những tháng năm “ăn, ngủ cùng Tabmis” thì tất cả đều chung một cảm xúc, bởi Tabmis chính là một phần ký ức đẹp trong cuộc đời họ - vất vả nhưng cũng thật vui.

Tabmis giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công

Tabmis được triển khai từ năm 2006, đến năm 2012 hoàn thành. Xây dựng thành công Tabmis đã tạo ra nền tảng thông tin ngân sách - kho bạc ổn định và mạnh mẽ, có khả năng giao diện với các phần mềm quản lý tài chính khác như: Quản lý thu thuế, quản lý nợ, cơ sở dữ liệu tập trung về thu, chi ngân sách nhà nước, hệ thống thanh toán… để tạo thành một hệ thống thông tin tài chính tích hợp, giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quản quản lý và khả năng hội nhập về quản lý tài chính công.

Chị Đặng Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc KBNN, khi ấy là Giám đốc phụ trách dự án Tabmis đã có những hồi tưởng về những ngày tháng vất vả nhưng nhiều niềm vui của những “chiến binh kho bạc” trong “cuộc cách mạng” dài 6 năm (2006 - 2012).

KBNN có đặc thù phần đông là cán bộ nữ, ngoài làm tốt việc ở cơ quan thì họ còn phải hoàn thành tốt chức năng làm vợ, làm mẹ ở nhà. Do đó, với chị Thủy, Tabmis chính là “lò luyện” ý chí phấn đấu, kiên cường của những nữ cán bộ vì mục tiêu chung khi đưa đến cho KBNN một diện mạo hiện đại mới nói riêng và vì một nền tài chính công minh bạch nói chung. Là những ngày “nước mắt vòng quanh” khi những thử nghiệm ban đầu thất bại và cả những giọt nước mắt sung sướng khi có được những thành quả ban đầu.

Anh Ngô Hải Trường, Phó Giám đốc KBNN Hải Phòng cũng có những chia sẻ về những ngày đầu đơn vị được chọn triển khai thí điểm.

Anh Trường cho biết, vì là thí điểm nên cũng không tránh khỏi những “vấp váp”. Đầu tiên là việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ triển khai tại địa phương. Lúc đó, Giám đốc KBNN Hải Phòng được giao làm trưởng ban, Phó giám đốc Sở Tài chính làm phó ban, Phó Giám đốc KBNN Hải Phòng được giao làm tổ trưởng Tổ triển khai và Trưởng phòng Ngân sách Sở Tài chính làm tổ phó. Việc giao Giám đốc KBNN làm Trưởng ban có nhiều thuận lợi về nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng lại có khó khăn trong việc báo cáo, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp tham gia của các sở, ban, ngành khác…

Rút kinh nghiệm từ Hải Phòng, khi chọn Hà Nam là tỉnh thứ 2 thực hiện thí điểm, Bộ Tài chính và KBNN đã giao Trưởng ban triển khai tại địa phương cho Giám đốc Sở Tài chính…, nên công việc thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhưng có lẽ, theo anh Trường, dấu ấn sâu đậm nhất đối với anh khi thực hiện triển khai Tabmis đó là việc nhập song song chứng từ trên 2 chương trình: Tabmis và KTKB (Kế toán Kho bạc) nên cán bộ liên tục phải làm thêm giờ và tuyệt nhiên không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Lãnh đạo đơn vị và kế toán trưởng thường xuyên làm việc đến 22h, vào kỳ báo cáo thì phải làm đến tận 1 - 2h sáng hôm sau.

Anh Trường chia sẻ thêm, công chức kế toán kho bạc đa phần là nữ, nên việc sắp xếp công việc gia đình để làm thêm giờ kéo dài hàng tháng trời hết sức khó khăn. Có chị em được gia đình thông cảm thì không sao, nhưng nhiều chị em không nhận được sự thông cảm từ gia đình, đặc biệt còn bị chồng nghi ngờ, đến tận trụ sở cơ quan để kiểm tra, khi thấy trụ sở nửa đêm vẫn sáng đèn và chị em vẫn miệt mài với công việc mới yên tâm ra về.

“Để công việc được triển khai thuận lợi và kịp tiến độ, lãnh đạo đơn vị và công đoàn cơ quan đã phải vào cuộc, đến tận nhà từng cán bộ giải thích, chuyển thư động viên của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến từng gia đình để mong được tạo điều kiện giúp chị em hoàn thành công việc… Cũng đã có một vài công chức không chịu được áp lực của công việc nên xin chuyển công tác”, anh Trường cho biết.

Cuộc “cách mạng” thành công

Năm 2012, Tabmis đã được triển khai thành công trên toàn quốc, đánh dấu một bước đổi mới trong công tác quản lý NSNN. Từ khi hoàn thành triển khai Tabmis, KBNN đã chủ động về mặt số liệu, kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành NSNN của cơ quan tài chính và chính quyền các cấp.

Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – người đã từng có thời gian công tác tại KBNN đã rất ấn tượng với những thành tựu có được ngày hôm nay của hệ thống KBNN. Ông Thanh cho biết, Tabmis chính là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển lâu dài của KBNN mà trước hết là trở thành Kho bạc điện tử. Đây là tiền đề để KBNN tiếp tục được Bộ Tài chính giao thêm nhiệm vụ mới đó là thực hiện chức năng Tổng kế toán Nhà nước; quản lý điều hành ngân quỹ nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và sử dụng nguồn ngân quỹ một cách an toàn, hiệu quả; thực hiện lập báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước, triển khai dịch vụ công trực tuyến… Đây cũng là những bước tiến lớn để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhằm tạo thêm nhiều thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư; đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình kiểm soát chi NSNN, rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Từ trục xoay là Tabmis, KBNN đã phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với hệ thống Tabmis, tạo ra rất nhiều thuận lợi trong công tác quản lý nguồn ngân quỹ cũng như cho khách hàng giao dịch.

Tabmis đã hoàn thành “sứ mệnh” khi thay đổi hoàn toàn công tác kế toán kho bạc từ phương thức truyền thống thủ công sang phương thức điện tử. Để tiến tới Kho bạc số vào năm 2030 như kế hoạch đặt ra trong dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp Tabmis và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác (phối hợp thu ngân sách; thanh toán song phương; thanh toán liên ngân hàng; dịch vụ công trực tuyến…) để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.

Song song với đó, KBNN cũng đang trình Bộ Tài chính phê duyệt định hướng cho bài toán nâng cấp Tabmis và các hệ thống ứng dụng công nghệ khác để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.

Tiết kiệm thời gian và chi phí

Một dấu ấn quan trọng trong năm 2020 của Kho bạc Nhà nước (KBNN) được toàn xã hội đánh giá cao đó là việc triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (đều bắt nguồn từ nền tảng Tabmis) đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng). Với dịch vụ công trực tuyến, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không phải giao dịch trực tiếp với KBNN nữa nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, dịch vụ công trực tuyến đã giúp cho KBNN trở thành Kho bạc điện tử khi không còn khách hàng và tất cả mọi hồ sơ, thủ tục, giấy tờ đều được đẩy trên môi trường mạng.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam