Kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu: “Một cửa” sẽ giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp

10:41 | 26/03/2021 Print
(TBTCVN) - Quyết định 38/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải cách kiểm tra chuyên ngành được ban hành mới đây đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Cải cách kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Cải cách kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Làm rõ hơn những đánh giá và khuyến nghị từ các doanh nghiệp, phóng viên TBTCVN đã phỏng vấn ông Juergen Weber – Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần của Eurocham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), xung quanh vấn đề này.

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 38/2021/QĐ-TTg (QĐ 38) phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Ông có bình luận gì về QĐ 38 và những cải cách này?

Ông Juergen Weber: Tiểu ban Vận tải và hậu cần của EuroCham tin rằng dự án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu”, cùng với 7 cải cách lớn trong kiểm tra chuyên ngành, đều bắt nguồn từ mong muốn đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hải quan làm thủ tục cho doanh nghiệp (DN), tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Chúng tôi hoan nghênh quyết định này, bởi như hiện nay, có quá nhiều bộ, ngành tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng và mỗi cơ quan lại có cách quản lý khác nhau.

Ông Juergen Weber
Ông Juergen Weber

Tuy nhiên, cơ quan hải quan có thể đối mặt với nhiều khó khăn để xử lý khối lượng công việc thử nghiệm không chỉ rất lớn mà còn mang tính thách thức đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Trong thời gian đầu, việc này có thể gây ùn tắc hàng do quy trình thủ tục giấy tờ và tạo ra các rào cản không mong muốn khác…

PV: Trong QĐ 38 có một điểm mới đáng lưu ý là: “Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Quan điểm của ông về điểm mới này như thế nào?

Ông Juergen Weber: Chúng tôi ủng hộ việc xúc tiến thương mại và cơ chế một cửa, giảm tải kiểm tra kỹ thuật. Với cải cách này, DN chỉ cần đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm với cơ quan hải quan, lựa chọn tổ chức kiểm tra và thông báo với cơ quan hải quan và thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đủ điều kiện. Tuy nhiên, cơ quan hải quan cần cung cấp thêm các hướng dẫn minh bạch, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu được toàn bộ quy trình làm việc và phối hợp tốt hơn trong thời gian tới.

PV: Theo ông, việc giao cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu sẽ tạo những thuận lợi gì cho các doanh nghiệp về thời gian và chi phí trong khâu kiểm tra chuyên ngành so với quy định cũ?

Ông Juergen Weber: Theo quan điểm của chúng tôi, quy trình kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm theo mô hình mới đơn giản hơn so với mô hình hiện tại. Cơ quan hải quan sẽ là đầu mối thực hiện cơ chế một cửa, vừa đồng thời làm thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian cho DN.

Tuy nhiên, để thực sự tối ưu thời gian và chi phí, quan trọng nhất là phải có ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để đăng ký, thực hiện, chuyển đổi phương pháp thử nghiệm và chuyển đổi nền tảng sang đồng bộ hóa thông tin. Như đã đề cập ở trên, cần có thêm hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan để đảm bảo quy trình tốt và tinh gọn hơn.

PV: Các doanh nghiệp của Eurocham kỳ vọng gì khi QĐ 38 có hiệu lực? Theo ông, để việc thực hiện QĐ 38 thực sự hiệu quả thì cần chú ý điều gì?

Ông Juergen Weber: Với việc QĐ 38 có hiệu lực, chúng tôi mong rằng, cơ quan hải quan sẽ thực hiện đúng tinh thần của quyết định để tiết kiệm thời gian cho DN. Để thực hiện tốt hơn quyết định, chúng tôi xin đề xuất một số các kiến nghị sau:

Hải quan cần áp dụng những đột phá mới đối với đề án cải cách chính thức khi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ sẽ không cần kiểm định chuyên ngành tại Việt Nam. Đây chính là một trong những khó khăn cần được cải thiện để dỡ bỏ nhiều hàng rào phi thuế quan, khi Việt Nam đang trong thời kỳ thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng.

Khi vào giai đoạn bắt đầu triển khai, hải quan cần xây dựng cơ sở thu thập dữ liệu từ các cơ quan, bộ chuyên ngành để nắm thông tin DN tuân thủ tốt để phân loại kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường hay kiểm tra giảm một cách phù hợp; tránh gây khó khăn, ách tắc đối với các DN tuân thủ tốt trong những năm qua.

Đồng thời, ngành Hải quan cần hết sức thận trọng triển khai chi tiết hiệu quả để đảm bảo thực hiện được đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Chẳng hạn như xây dựng và nâng cao hệ thống kết nối giữa Hải quan và các cơ quan, tổ chức giám định để nhận thông tin qua hệ thống thay vì DN phải nộp lại kết quả cho hải quan. Hoặc hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, DN không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra phải được xây dựng từ cơ sở phù hợp, hiệu quả, minh bạch thông tin.

Chúng tôi khuyến nghị cơ quan hải quan hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện QĐ 38. Bộ Tài chính phối hợp giữa các bộ xác định cụ thể các mặt hàng phải kiểm soát đặc biệt để áp dụng phương pháp kiểm tra và thay đổi phương thức kiểm tra phù hợp trong quá trình xây dựng nghị định quy định chi tiết quy trình, thủ tục kiểm tra. Bước này cần được thực hiện trước và cần tổ chức hội thảo tham vấn trước khi QĐ 38 chính thức được áp dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần áp dụng những đột phá mới


Hải quan cần áp dụng những đột phá mới đối với đề án cải cách chính thức khi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ sẽ không cần kiểm định chuyên ngành tại Việt Nam. Đây chính là một trong những khó khăn cần được cải thiện để dỡ bỏ nhiều hàng rào phi thuế quan, khi Việt Nam đang trong thời kỳ thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam