Nghị định về cải cách kiểm tra chuyên ngành: Khẳng định vai trò “đầu mối” của cơ quan hải quan

09:55 | 24/03/2021 Print
(TBTCVN) - Dự thảo nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lấy ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cơ bản đã bao hàm được nội dung, tinh thần của Quyết định 38/QĐ-TTg.

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu.

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều điểm cần khẳng định vai trò cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra hàng hóa và trách nhiệm tham gia của các bộ, ngành liên quan…- ông Hoàng Quốc Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội chia sẻ như vậy khi trao đổi với pv TBTCVN.

PV: Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 169/QĐ- BTC về kế hoạch hành động triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ đạo các đơn vị trong ngành Hải quan tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định về đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành sớm trình Chính phủ ban hành. Vậy, công việc này đã được Cục Hải quan Hà Nội tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Quang: Qua nghiên cứu, Cục Hải quan Hà Nội và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhận thấy, kết cấu, nội dung của dự thảo nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (dự thảo nghị định KTCN), về cơ bản đã sơ bộ bao hàm được tinh thần cải cách nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg. Tuy nhiên, dự thảo nghị định cần làm rõ vai trò cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra hàng hóa; quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành.

Ông Hoàng Quốc Quang

Ông Hoàng Quốc Quang

Cụ thể, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, cần làm rõ nội dung: “Cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu” (theo nghĩa như cơ chế một cửa, tiếp nhận, tổ chức thực hiện và trả kết quả). Dự thảo Nghị định mới chỉ xác định cơ quan hải quan là một đơn vị có chức năng kiểm tra, chưa phải là “đầu mối”. Nếu quy định lựa chọn và thực hiện thủ tục như dự thảo, qua tham khảo của Cục Hải quan Hà Nội, DN sẽ lựa chọn làm trước thông quan, tại cơ quan kiểm tra của bộ quản lý ngành, lĩnh vực như hiện tại.

Về vấn đề này, Cục Hải quan Hà Nội đề xuất, đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan có quyền và trách nhiệm: quyết định phương thức kiểm tra; tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra; tổ chức kiểm tra (trực tiếp tại các đơn vị thuộc cơ quan hải quan) hoặc chuyển hồ sơ đăng ký kiểm tra cho cơ quan, tổ chức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao, chỉ định; thông báo kết quả kiểm tra.

PV: Có ý kiến từ phía DN cho rằng cần làm rõ một số khái niệm nêu trong dự thảo nghị định KTCN, ông có bình luận gì về ý kiến này?

Ông Hoàng Quốc Quang: Trên thực tế, Cục Hải quan Hà Nội cũng đã đóng góp ý kiến lần 2 vào dự thảo nghị định KTCN và được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa làm rõ.

Điển hình như nội hàm các thuật ngữ “trước thông quan”, “trong quá trình thông quan”, “sau thông quan”. Bởi vì, đây là các mốc để phân định thẩm quyền kiểm tra, thủ tục thực hiện. Theo khoản 21 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014, “Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác”. Hiện tại chỉ có quy định về thực hiện thủ tục trước thông quan, khi hàng hóa đã được thông quan là sau thông quan, chưa có quy định về “trong quá trình thông quan”.

Liên quan đến việc tạo thuận lợi cho DN, Cục Hải quan Hà Nội có đề xuất với ban soạn thảo về khoản 3 Điều 19 (trang 19) dự thảo nghị định quy định: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, an toàn thực phẩm tại cửa khẩu nhập”.

Đề xuất bỏ cụm từ “tại cửa khẩu nhập”. Lý do, thông thường, DN nhập khẩu sẽ làm thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trên cùng địa bàn.

Theo quy định của Luật Hải quan, trừ các hàng hóa liên quan đến an ninh an toàn phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, DN được lựa chọn địa điểm làm thủ tục hải quan. Do đó, bỏ cụm từ “tại cửa khẩu nhập” sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN, tránh ùn tắc tại cửa khẩu, tạo áp lực về khối lượng công việc cho chi cục hải quan cửa khẩu, phát huy được năng lực của chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

PV: Cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan đến các hoạt động kiểm tra hàng hóa. Ông có thể cho biết rõ hơn về đề xuất của Cục Hải quan Hà Nội đối với dự thảo nghị định KTCN?

Ông Hoàng Quốc Quang: Qua nghiên cứu, Cục Hải quan Hà Nội có góp ý vào Điều 9 - Phương thức kiểm tra chặt cần được làm rõ, tránh chồng chéo chức năng giữa cơ quan hải quan và bộ quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng để DN dễ dàng thực hiện.

Tại điểm c khoản 2 quy định: “Cơ quan hải quan lấy mẫu hoặc lựa chọn tổ chức thử nghiệm lấy mẫu để thử nghiệm và giám sát trực tiếp việc lấy mẫu”, được hiểu là cơ quan hải quan quyết định lấy mẫu hay lựa chọn tổ chức kiểm nghiệm lấy mẫu. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp với Điểm a, b khoản 1 Điều 16 - Quyền của tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra: “Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp; phòng kiểm nghiệm để giám định, thử nghiệm”, được hiểu là quyền lựa chọn của DN.

Đồng thời đối với Điều 14 - đưa hàng về bảo quản, tại Điểm a khoản 1, Cục Hải quan Hà Nội đề nghị sửa lại thành “Hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phầm do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành được đưa về bảo quản chờ thông quan”. Lý do, danh mục hàng hóa do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành; được đưa về bảo quản chờ thông quan là quyền của DN.

Vai trò của cơ quan hải quan là quyết định giải quyết nếu địa điểm đáp ứng điều kiện và DN không thuộc trường hợp không được đưa về bảo quản.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bổ sung quy định các trường hợp miễn kiểm tra

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định hiện hành, Cục Hải quan Hà Nội cũng đề nghị bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra vào dự thảo nghị định kiểm tra chuyên ngành.

Đó là hàng hóa thương mại điện tử thuộc trường hợp miễn kiểm tra theo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (được phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-TTg); hàng hóa xuất khẩu bị trả lại; hàng hóa nhập khẩu vào kho ngoại quan. Trong quá trình lưu giữ hoặc khi nhập khẩu vào nội địa mới phải thực hiện thủ tục này.

Hải Linh (thực hiện)

Hải Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam