Giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình: “Bệ phóng” cho phát triển kinh tế địa phương

10:44 | 19/03/2021 Print
(TBTCVN) - Là một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp, Thái Bình rất coi trọng lĩnh vực đầu tư công và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của địa phương. Do đó, nhiều năm qua, Thái Bình luôn đứng trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất trên cả nước

Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T

Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T

Xử lý kịp thời các vướng mắc

Đầu tư công là lĩnh vực khá phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp do đó lãnh đạo tỉnh Thái Bình luôn đặc biệt quan tâm. Đây chính là điều kiện tiên quyết giúp Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết, nhờ có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, KBNN Thái Bình đã thuận lợi hơn trong việc hướng dẫn, thuyết phục chủ đầu tư (CĐT), nhà thầu, các cơ quan liên quan trong việc chấp hành các quy định về đầu tư công, quy định về kiểm soát thanh toán, giải ngân nguồn vốn.

Bên cạnh đó, KBNN Thái Bình đã nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, đơn vị chủ động báo cáo với cấp có thẩm quyền và thông báo trao đổi với CĐT, đề nghị CĐT giải trình và phối hợp để cùng tháo gỡ. Với cách làm này, KBNN Thái Bình đã tạo được sự nhất quán, đồng thuận trong quá trình giải ngân vốn, từ đó đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn.

Đặc biệt, theo bà Hải, từ đầu năm 2020, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để nâng cao chất lượng phục vụ và chất lượng kiểm soát chi NSNN. Tính đến nay, các ban quản lý dự án chuyên ngành tại KBNN tỉnh, ban quản lý dự án huyện và phần lớn các đơn vị sử dụng ngân sách tại các KBNN huyện đã thực hiện giao dịch qua DVCTT. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian gửi hồ sơ thanh toán của dự án, giảm thời gian đi lại của CĐT.

Với các giải pháp đã thực hiện, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình đã được giải ngân đúng tiến độ, đưa vào sử dụng mang lại lợi thế cho phát triển kinh tế của địa phương như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình…

Đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm

Bà Nguyễn Thị Hải cho biết, mặc dù luôn đạt tỷ lệ giải ngân cao trong nhiều năm trở lại đây nhưng không có nghĩa là Thái Bình không gặp khó khăn trong công tác giải ngân.

Đơn cử như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tại Thái Bình đã có những thời điểm thiếu hụt tạm thời ngân sách địa phương để chi trả cho các dự án. Hay như Nghị định 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, trong đó có nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn trung hạn và vốn hàng năm từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Nghị định có hiệu lực từ ngày 6/4/2020, tuy nhiên trong năm 2020, địa phương không thực hiện bổ sung nguồn vốn này trong kế hoạch đầu tư công năm cũng như kế hoạch trung hạn nên không thực hiện giải ngân…

Là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, KBNN Thái Bình đã xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp triển khai để gỡ “nút thắt”, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm.

Theo đó, khi nhận được quyết định giao vốn năm 2021 của UBND tỉnh, KBNN Thái Bình đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị KBNN trực thuộc phối hợp với cơ quan tài chính kịp thời nhập nguồn vốn vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cho các dự án.

Đồng thời, KBNN Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc đôn đốc các CĐT, ban quản lý dự án (BQLDA) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ khi có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN. Bên cạnh đó cũng đôn đốc các CĐT, BQLDA thực hiện việc đối chiếu số dư dự toán năm 2020 đối với các dự án được chuyển nguồn sang năm 2021 để thực hiện chuyển nguồn, kịp thời thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Ngoài ra, các đơn vị KBNN trực thuộc phải kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, phối hợp với CĐT, BQLDA có biện pháp tháo gỡ, đảm bảo công tác kiểm soát chi được chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, KBNN Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị KBNN thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giải quyết hồ sơ chứng từ qua DVCTT. Đồng thời, các đơn vị KBNN tổ chức thực hiện tốt phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”…

Giải ngân được 801 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm


Trong năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình được giao là 6.223 tỷ đồng. Hết niên độ ngân sách, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình đã kiểm soát thanh toán 5.857 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch. Năm 2021, Thái Bình được giao trên 2.296 tỷ đồng vốn đầu tư. Đến hết tháng 2/2021, KBNN Thái Bình đã giải ngân được 801 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch vốn.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam