Tháo bỏ các điểm nghẽn để kinh tế tư nhân cất cánh

08:50 | 17/03/2021 Print
(TBTCVN) - Đổi mới quản lý nhà nước (QLNN) để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ để giải phóng nguồn lực rất lớn từ khu vực kinh tế tư nhân.

8

Những năm qua khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Quản lý nhà nước phải theo hình phễu

Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang được khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 3 này. Mới đây, góp ý cho Đề án, các chuyên gia cũng như nhà quản lý đã chỉ ra nhiều tồn tại cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân thời gian qua.

Trước hết, là những bất cập trong quản lý nhà nước. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vẫn còn nhiều rào cản, nút thắt mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông. Rất nhiều chính sách phát triển kinh tế đã được ban hành nhưng vẫn vướng, nhất là tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Do đó, phải làm sao thể chế thuận lợi, hấp dẫn, thân thiện, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Công tác xây dựng thể chế của bộ ngành phải thay đổi, phải kiến tạo chứ không chỉ xem xét ở khía cạnh quản lý.

“Quản lý Nhà nước phải là hình phễu, tất cả mọi thứ phải tự do thuận lợi vào, xong dùng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và làm hậu kiểm cho tốt. Chứ bây giờ chúng ta lại làm theo hình nón, vào cái là ghè ngay, nào là đất cát, vốn liếng, không thể làm được, tiếp cận được, mà lại phải tạo cơ chế xin cho”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể hơn, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra năm tồn tại, hạn chế trong vai trò, chức năng quản lý nhà nước đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.

Thứ nhất là định hướng, quy hoạch. Công tác xây dựng quy hoạch còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều định hướng phát triển lớn còn mang tính chất trải đều trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực dẫn đến hiệu quả thấp trong huy động và phân bổ nguồn lực. Ví dụ như định hướng phát triển ngành công nghiệp ưu tiên thì có khá nhiều ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn khác nhau.

Thứ hai là công tác tạo lập khung khổ thể chế. Chất lượng thể chế trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Những bất cập về thể chế đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp vẫn chậm được giải quyết. Đây là những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển.

Thứ ba là phân bổ nguồn lực, chính sách phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực địa bàn chưa hiệu quả và đúng mục tiêu. Vẫn còn quan điểm cho rằng chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực, giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, hạn chế hoặc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Thứ tư, trong khâu kiểm tra giám sát, việc thay đổi trong công tác kiểm tra giám sát chưa đáp ứng đủ yêu cầu và mục tiêu đề ra, một số thay đổi mang tính cơ học, không thực chất. Đơn cử như vẫn còn gần 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ vẫn bị thanh kiểm tra 2 lần trong năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh cũng vẫn bị kiểm tra.

Thứ năm là công tác tổ chức thực hiện pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện thủ tục hành chính được nhiều doanh nghiệp phản ánh là gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không vì số ít vi phạm mà kìm hãm tự do kinh doanh

Bàn về giải pháp để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, chuyên gia kinh tế, TS Cao Viết Sinh cho rằng, thay đổi quản lý nhà nước về tư duy nghĩa là phải để người dân thực sự được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nộp hồ sơ là được kinh doanh ngay. Không vì một số ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho nền kinh tế mà kìm hãm quyền tự do kinh doanh.

Trong các thành phần kinh tế hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đang là chủ đạo, sản xuất hàng hoá của doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần rất lớn. Thời gian tới cần xem lại thị phần của các khu vực kinh tế để có dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển, nếu không, kinh tế tư nhân sẽ rất khó lớn mạnh.

“Trước đây, cải cách thể chế chủ yếu tập trung vào thủ tục hành chính, đem lại kết quả nhất định nhưng đó chỉ là một phần của đổi mới về quản lý kinh tế, không phải giải pháp căn cơ. Ngay trong khu vực kinh tế tư nhân cũng không bình đẳng, có doanh nghiệp tiếp cận tốt nguồn lực đất đai, tín dụng, có doanh nghiệp không tiếp cận được. Vì vậy thời gian tới cần tập trung vào thị trường các nhân tố sản xuất”, TS Cao Viết Sinh nói.

Chuyển từ kiểm soát sang đồng hành

Bình luận về đổi mới quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trước hết và quan trọng nhất hiện nay là phải khắc phục những hạn chế đã được chỉ rõ, đó là chuyển từ quản lý sang quản trị, từ kiểm soát sang đồng hành. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất cồng kềnh và thường ban hành những quy định mà chưa làm rõ được bản chất, mục đích. Ví dụ, tại sao ở tất cả địa phương cần có chi nhánh ngân hàng nhà nước, trong khi ngành thuế và hải quan đã gộp vào để quản lý theo vùng mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ? Khi tín dụng đen diễn ra trong các khu vực nông thôn, khu tập trung công nhân gây bức xúc thì chi nhánh ngân hàng nhà nước ở đâu? Điều kiện không gian tối thiểu cho văn phòng là 8m2/người, phải thuê ổn định trong 2 năm là để làm gì, có thực sự cần thiết hay không?...

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam