Triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách: Càng khó khăn, càng quyết tâm, nỗ lực

09:53 | 15/03/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021, Bộ Tài chính phải đảm bảo giải 2 bài toán khó cùng một lúc. Đó là: vừa tiếp tục triển khai các giải pháp về chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; vừa phải phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ảnh: Văn Tuấn

Tuy nhiên, không vì thấy khó mà lùi bước, ngành Tài chính đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Vừa hỗ trợ vừa đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách

Mặc dù tình hình thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Quốc hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 6,5%. Dù chưa quay trở lại mức tăng trưởng cao như một số năm trước đại dịch, nhưng đây là mục tiêu khả thi, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN), ngành Tài chính sẽ chỉ đạo sát sao, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Trong đó phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 3% so với dự toán, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, từng bước cơ cấu lại thu – chi NSNN, kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn cho phép. Ngoài ra, ngành còn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trả nợ đúng hạn, đầy đủ, từng bước cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần đảm bảo ổn định vĩ mô, an ninh quốc phòng và các mục tiêu về an sinh xã hội...

Theo nhận định của giới chuyên gia, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2021 phụ thuộc nhiều vào việc tiếp tục kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đảm bảo kinh phí 25 nghìn tỷ đồng cho tiêm chủng Covid-19

Chính phủ thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực để sớm kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch lây lan, tăng cường chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía mình, Bộ Tài chính đã đảm bảo nguồn lực mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 để tiêm chủng cho khoảng 80% dân số, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Chính vì thế, áp lực và thách thức đặt ra cũng rất lớn. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong năm 2021, ngành Tài chính phải nghiên cứu, giải quyết đồng thời 2 bài toán khó, ngược nhau, đó là: tiếp tục áp dụng các giải pháp ưu đãi (giảm, giãn...) về thuế, phí và lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh; đảm bảo hoàn thành, hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính phải đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội quyết định; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng nêu trên, ngành Tài chính phải kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính; phấn đấu giảm bội chi NSNN khi có điều kiện để tăng dư địa tài khóa, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Thu khó, phải triệt để tiết kiệm chi

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 toàn ngành Tài chính đã đồng lòng quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện theo phương châm chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, triển khai các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Trong tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021, ngành Tài chính thực hiện theo sát dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng...

Đây cũng là vấn đề được người đứng đầu ngành - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhấn mạnh tại các diễn đàn. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, thì phải triệt để tiết kiệm chi. Cùng với đó, Bộ trưởng đã đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định, đối với các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng từ 3 - 5%.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về tài chính – NSNN năm 2021 có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, đây sẽ là bước tạo đà để ngành Tài chính hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, cũng như các mục tiêu xa hơn.

Tiến độ thu ngân sách đạt khá, sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện

Tại kỳ họp thứ 10, khóa XIV, Quốc hội đã quyết định tổng dự toán thu NSNN năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, dự toán chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP, tổng mức vay của NSNN là 608,569 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù nhiều địa phương còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động thu, chi ngân sách, nhưng trong 2 tháng đầu năm vẫn duy trì tiến độ thu khá, đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán.

Trong các khoản thu nội địa, có 9/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 17%), bao gồm cả các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh… Ước tính cả nước có 46/63 địa phương thu nội địa đạt trên 20% dự toán (tiến độ thu chung của cả nước); 34/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 29 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, việc duy trì được tiến độ thu đạt khá cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng thích ứng của doanh nghiệp đã được cải thiện; đồng thời, khẳng định tính hiệu quả các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới.

Kim Cúc

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam