Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết và rất hữu ích

21:25 | 14/03/2021 Print
(TBTCVN) - Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt, theo khảo sát của VCCI, có tới 96% doanh nghiệp đánh giá chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là cần thiết và rất hữu ích.

8

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Năm 2020, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, với nhiều hệ lụy như: giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt, theo khảo sát của VCCI, có tới 96% doanh nghiệp đánh giá chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là cần thiết và rất hữu ích.

Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá cao nhất

Báo cáo trực tuyến “Tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, sáng 12/3.

Phát biểu tại buổi báo cáo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, 10.197 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc tham gia vào khảo sát đã cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cách thức ứng phó của DN. Do tác động của Covid-19, năm 2020 cũng là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và cũng là năm mà số lượng DN rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100 nghìn DN.

Đây cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng DN để vượt lên hoàn cảnh khó khăn. DN phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng...

Theo ông Lộc, có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng DN, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất; các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Trong đó, chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động được cho là khó tiếp cận, nhưng các DN vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. 75% DN cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI), theo kết quả rà soát của VCCI tính tới đầu tháng 12/2020, để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. Cụ thể, 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% DN cho biết “không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đó, xảy ra với DN tư nhân trong các ngành may mặc (97%); thông tin truyền thông (96%); sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%)...

Khuyến nghị để chính sách hỗ trợ phát huy tối đa hiệu quả

Chia sẻ về ứng phó của DN với dịch Covid-19, ông Tuấn cho hay, biện pháp mà nhiều DN thực hiện hơn cả là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, với 57% DN tư nhân và 71% DN FDI. Kế đến là việc DN chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn…

Từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua, cùng với các đề xuất của DN qua cuộc khảo sát năm 2020, ông Lộc đưa ra một số kiến nghị về cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19…

Cùng với đó, chúng ta, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu. Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025.

“Cuối cùng, cần lan toả và nhân rộng được các mô hình. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN. Đối với các hiệp hội DN, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những DN đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19” - ông Lộc nhấn mạnh.

35% doanh nghiệp tư nhân phải cho người lao động nghỉ việc

Theo khảo sát của VCCI, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp (DN), chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Khó khăn lớn nhất với DN tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với DN FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%). Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% DN tư nhân và 22% DN FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%.

Đức Việt

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam