Nợ công của Việt Nam sẽ giảm hơn nữa trong trung hạn

10:22 | 10/03/2021 Print
(TBTCVN) - Tỷ lệ cũng như sự thay đổi trong cơ cấu nợ công của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là một dấu hiệu đáng hoan nghênh. Với những nỗ lực hiện nay, nợ công của Việt Nam dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong trung hạn.

Đây là ý kiến của TS. Luke Hong - chuyên gia chính, Trưởng nhóm nghiên cứu về Việt Nam của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Ông có bình luận gì về con số nợ công của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020?

TS. Luke Hong: Có thể thấy bức tranh nợ công của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 2016 - 2020. Nợ công của Việt Nam giảm đáng kể từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 54,3% GDP năm 2020. Trong khi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây đóng một vai trò quan trọng, sự quản lý tài khóa thành công của Chính phủ là yếu tố then chốt dẫn đến thành công này. Bất chấp việc nhiều khoản thuế bị cắt giảm, thu ngân sách của quốc gia vẫn tăng mạnh và chi tiêu ngân sách được cân đối phù hợp với số thu, duy trì thâm hụt tài chính trong phạm vi hợp lý.

PV: Từ con số trên, ông đánh giá thế nào về nợ công của Việt Nam so với các quốc gia có quy mô nền kinh tế tương tự như Việt Nam trong khu vực?

TS. Luke Hong: Trước đây, tỷ lệ nợ công của Việt Nam trên GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực, phản ánh thu ngân sách giảm do cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, giá hàng hóa giảm và trao đổi thương mại giảm từ năm 2012 đến năm 2016. Kể từ đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực củng cố, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã khiến nợ công giảm đều trong 5 năm qua.

9

TS. Luke Hong

Với sự phục hồi gần đây của GDP danh nghĩa, chúng tôi ước tính, nợ công của Việt Nam vào khoảng 43,6% GDP vào năm 2020. Đây là mức tương đối thấp so với các nước cùng khu vực như Malaysia 62,2%, Philippines 54,5% và Thái Lan 49,4%. Ngoài ra, nợ công của Việt Nam dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong trung hạn.

PV: Ngoài việc giảm mạnh nợ công, cơ cấu nợ của Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn. Cụ thể, tỷ trọng nợ trong nước tăng dần từ 60,1% năm 2016 lên 65,5% năm 2020; trong khi tỷ trọng nợ nước ngoài giảm dần từ mức 39,9% năm 2016 xuống 34,5% năm 2020. Ông có bình luận gì về sự thay đổi này trong cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện nay? Ông có cho rằng, đó là một cơ cấu tích cực?

TS. Luke Hong: Sự thay đổi cơ cấu nợ công của Việt Nam là một dấu hiệu đáng hoan nghênh, vì nó báo hiệu sự chuyển đổi từ một nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào tài trợ phát triển bên ngoài sang một nền kinh tế thị trường mới nổi phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn vay nợ trong nước.

Sự thay đổi này làm cho hoạt động tài khóa ít bị rủi ro tiền tệ hơn, mặc dù gánh nặng lãi suất có thể sẽ tăng lên do Việt Nam sẽ có ít nguồn vốn ưu đãi hơn. Cuối cùng, niềm tin ngày càng tăng của thị trường vào quản lý tài khóa đã dẫn đến sự gia tăng thành công thời gian đáo hạn trung bình của đợt phát hành trái phiếu chính phủ. Đó là điều tích cực.

PV: Được biết, hàng năm, AMRO đều có các đợt làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan khác của Việt Nam để đánh giá về các chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách. AMRO đánh giá thế nào về vai trò của Bộ Tài chính trong nỗ lực giảm và kiểm soát nợ công của Việt Nam thời gian qua?

TS. Luke Hong: Những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc quản lý và giảm nợ công của quốc gia đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ mức nợ công dưới mức trần là 65% GDP. Việc Bộ Tài chính tiếp tục cải thiện việc quản lý nợ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi thành công từ nguồn cho vay ưu đãi sang nguồn vay nợ trong nước với tỷ trọng trái phiếu chính phủ dài hạn bằng nội tệ ngày càng tăng. Trong tương lai, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần chú trọng đến các ưu tiên phát triển dài hạn như phát triển cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội để đảm bảo một con đường phát triển kinh tế bền vững và lành mạnh.

PV: Nợ công được ví như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Vậy theo ông, Việt Nam cần chú ý điều gì trong việc quản lý nợ công an toàn, bền vững, để đây thực sự là một đòn bẩy thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

TS. Luke Hong: So với các nền kinh tế khác trong khu vực, gói kích thích tài khóa của Việt Nam để giảm thiểu tác động của Covid-19 tương đối khiêm tốn, một phần nhờ nỗ lực ngăn chặn đại dịch hiệu quả của Việt Nam. Để tiếp tục phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh môi trường còn nhiều biến động, Chính phủ Việt Nam có đủ dư địa chính sách để cung cấp hỗ trợ bổ sung nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế công và cơ sở hạ tầng công cộng.

Trong khi đó, việc hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình có thu nhập thấp cần được tiếp tục và các cơ quan chức năng cần thường xuyên được xem xét về mức độ phù hợp và hiệu quả của các chính sách này. Việc giải ngân các chương trình hỗ trợ đơn giản hơn và có mục tiêu tốt hơn sẽ giúp tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Chính phủ.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải đảm bảo tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng vật chất và đầu tư tư nhân trong trung và dài hạn. Đó chính là những điểm mà Việt Nam cần lưu ý thực hiện để việc quản lý nợ công được an toàn, bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 7% vào năm 2021

Mới đây, AMRO đã công bố đánh giá sơ bộ về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam sau cuộc tham vấn thường niên với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Theo đó, AMRO cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn 2,9% vào năm 2020 do đại dịch nhưng dự kiến sẽ tăng lên 7% vào năm 2021. Sự phục hồi dự kiến sẽ được củng cố bởi sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài, nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi, dòng vốn FDI chảy vào và năng lực sản xuất tăng lên.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam