Xây dựng chính sách vay nợ nước ngoài cần lộ trình dài hơi, thận trọng

10:12 | 10/03/2021 Print
(TBTCVN) - Việt Nam quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp.

8

Nguồn vốn vay nợ nước ngoài góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư công trình công cộng của Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

Việt Nam kiểm soát tốt vay nợ nước ngoài

Theo ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo và mắc nợ trầm trọng trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ. Các nguồn vốn nước ngoài đã tạo điều kiện khai thông quan hệ tài chính - tín dụng với các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài.

bieu

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chỉ tiêu trần nợ quốc gia so với GDP cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công (nợ chính phủ và nợ chính phủ bảo lãnh) có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống còn 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011 - 2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016 – 2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chủ yếu là các khoản ODA, vay ưu đãi (chiếm 98% nợ nước ngoài của Chính phủ). Đến nay Việt Nam đã ký kết trên 85 tỷ USD vốn ODA, vốn vay ưu đãi; điều kiện vay tương đối thuận lợi, thời gian đáo hạn bình quân 13,8 năm, lãi suất bình quân gia quyền 1,35%/năm.

Đến hết năm 2020, Chính phủ đã cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng trị giá 23,6 tỷ USD cho trên 120 dự án.

Theo bà Nguyễn Thị Hải An – Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trong nước theo phương thức tự vay, tự trả. Với phương thức này đã góp phần thu hút nguồn lực nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các thành phần kinh tế, đóng góp quan trọng trong phục vụ mục tiêu tăng trưởng và xuất nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và có đóng góp quan trọng đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam.

Cũng theo bà An, khối doanh nghiệp FDI luôn chiếm ưu thế trong hoạt động vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả. Khối doanh nghiệp tư nhân khác của Việt Nam cũng ngày một năng động và cải thiện độ tín nhiệm, mở rộng khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế. Hệ thống tổ chức tín dụng có mức vay nước ngoài tương đối thấp và ổn định, một mặt vẫn duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, mặt khác bổ sung nguồn vốn ngoại tệ đảm bảo thanh khoản và nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng…

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, so với nhóm các nước trong khu vực, tình hình nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, một phần phản ánh cơ cấu nguồn vốn trong nền kinh tế, trong đó vốn vay nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng.

Cần có lộ trình tự do hóa dòng vốn vay nước ngoài

Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, các thành phần kinh tế, bao gồm cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân, đã có khả năng tiếp cận vay nước ngoài theo điều kiện thị trường. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với tính năng động của công tác vay nợ trong tình hình mới.

Các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, WB,… đều theo hướng việc xây dựng chính sách về vay nợ nước ngoài cần có một lộ trình dài hơi, một khung chính sách thận trọng đối với việc tự do hóa dòng vốn vay nước ngoài.

Theo khuyến nghị của ông Gurmain Kaur Pasricha - chuyên gia IMF, việc cải cách cơ chế nợ nước ngoài cần soạn thảo và công bố kế hoạch tự do hóa dòng vốn. Cải cách cơ chế quản lý nợ nước ngoài cần chú ý các nội dung chính như: Loại bỏ khu vực tư nhân ra khỏi mức trần trung hạn; ban hành các công cụ thay thế để quản lý vay nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính đồng bộ trong các quy định về vay vốn và phát hành chứng khoán ở nước ngoài, phân tích dữ liệu định kỳ để xác định ra những xu hướng bất lợi nhằm điều chỉnh chính sách...

Còn theo bà Nguyễn Thị Hải An, việc đánh giá rủi ro các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả cần dựa trên phân loại đặc thù của khoản vay, đặc điểm của bên đi vay, thời hạn khoản vay...

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam khuyến nghị, không áp dụng mức trần cứng đối với chỉ tiêu dư nợ và trả nợ nước ngoài của quốc gia, chỉ đề ra mức trần nợ nước ngoài trong tổng dư nợ công; có thể ưu tiên đối với trung hạn và dài hạn, siết lại quản lý dòng vốn ngắn hạn.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam