Chống gian lận xuất xứ năm 2021: Áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các nghiệp vụ hải quan

10:07 | 10/03/2021 Print
(TBTCVN) - Trong năm 2021, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo luật định.

Mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng trọng điểm Tổng cục Hải quan

Mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng trọng điểm Tổng cục Hải quan sẽ tập trung kiểm tra. Ảnh: TL

Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tập trung kiểm tra các đối tượng trọng điểm

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua cơ quan hải quan đã tích cực và chủ động trong triển khai các giải pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Trong năm 2020, Cục Kiểm tra sau thông quan là lực lượng chủ công đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn, phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa của một số doanh nghiệp. Toàn ngành đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ; đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh, phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm… thu gần 78 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu). Đặc biệt, lực lượng kiểm tra sau thông quan còn phát hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu (chứng nhận xuất xứ) của cơ quan, tổ chức để các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa phản ánh đúng thực trạng hiện nay… Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tài bất hợp pháp năm 2021 để đẩy mạnh công tác này. Kế hoạch này nhằm hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khi áp dụng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt để duy trì tăng trưởng kim ngạch bền vững trong năm 2021.

Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Bình luận về kế hoạch của Tổng cục Hải quan, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vấn đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đang ngày càng nóng bỏng và cấp bách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc triển khai kế hoạch chống gian lận, giả mạo, xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là cần thiết.

Đồng bộ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm

Để triển khai rộng rãi và hiệu quả kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021, Tổng cục Hải quan tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ mạnh mẽ. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan.

Cùng với đó, các đơn vị hải quan tổ chức thực hiện việc kiểm tra, điều tra, xác minh tại trụ sở doanh nghiệp để xác định hành vi vi phạm và xử lý theo quy định; thường xuyên rà soát, xác định các giao dịch, công ty có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất. Cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát cơ sở pháp lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn để thống nhất thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng xác định đối tượng doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận chuyển danh sách cụ thể cho cơ quan hải quan. Ngoài ra, ngành Hải quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư thực chất, lâu dài, chuyển giao công nghệ, thực hiện gia công chế biến sâu; nâng cao nhận thức về gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại…

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, việc tăng cường chống gian lận xuất xứ… sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng tiêu chí, bộ nhận diện…; đồng thời, nâng cao cảnh giác, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng có giải pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh...

“Về phía cơ quan hải quan cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; nâng cao nghiệp vụ quản lý để kiểm tra, kiểm soát hiệu quả các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp” - ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

15 nhóm hàng hóa trọng điểm

15 nhóm hàng trọng điểm Tổng cục Hải quan sẽ tập trung kiểm tra, gồm: Mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; nhóm thiết bị (thiết bị thể thao; thiết bị nội thất); nhóm mặt hàng thép (khớp nối bằng thép, bánh xe thép; thép tiền chế, ống đồng); nhóm mặt hàng điện tử (mạch điện; máy xử lý dữ liệu; sản phẩm điện tử và linh kiện); nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; pin năng lượng mặt trời; đệm mút; đá nhân tạo; gạch men; lốp xe tải và xe khách; bao và túi nhựa; nhóm máy móc, thiết bị (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy hút bụi, máy cắt cỏ); ghim đóng thùng; vỏ bình ga và nhóm cuối cùng là giày dép và túi xách.

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam