Địa phương chủ động kinh phí chi an sinh xã hội

16:18 | 08/03/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, địa phương chủ động sử dụng kinh phí bổ sung từ ngân sách trung ương (nếu có) và nguồn của địa phương thực hiện chính sách tiền lương, an sinh xã hội, trong đó, phải đảm bảo phân bổ đúng chính sách, chế độ, chi trả kịp thời, đúng đối tượng.

tiền

Chi an sinh xã hội phải đảm bảo phân bổ đúng chính sách, kịp thời, đúng đối tượng. Ảnh: TL.

Theo Bộ Tài chính, trong thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2021, các địa phương căn cứ kết quả thực hiện từng chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành, tổng hợp toàn bộ nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện các chính sách và bố trí nguồn thực hiện. Toàn bộ nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện các chính sách nêu trên, bao gồm hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo Luật Thủy lợi.

Về bố trí nguồn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể. Theo đó, nhu cầu kinh phí tăng thêm, ngân sách trung ương phải bổ sung năm 2021, gồm: Đối với những chính sách an sinh xã hội đã được quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, thì tổng hợp nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm, nhu cầu kinh phí tăng thêm. Trong đó xác định rõ phần ngân sách trung ương phải bổ sung cho ngân sách địa phương đối với phần kinh phí tăng thêm theo tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương của từng chính sách.

Đối với các chính sách an sinh xã hội còn lại, địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm, nhu cầu kinh phí tăng thêm. Trong đó xác định rõ phần ngân sách trung ương phải bổ sung cho ngân sách địa phương đối với phần kinh phí tăng thêm theo tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp các địa phương có nguồn cải cách tiền lương còn dư (sau khi đã đảm bảo thực hiện chính sách, chế độ tiền lương trong năm) thực hiện giảm trừ tương ứng phần kinh phí ngân sách trung ương phải hỗ trợ nêu trên. Ngân sách trung ương bổ sung phần chênh lệch thiếu cho từng địa phương sau khi đã cân đối nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Các địa phương chủ động sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (nếu có) và nguồn ngân sách địa phương phải đảm bảo theo quy định để thực hiện các chính sách tiền lương, an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo nguyên tắc hỗ trợ của giai đoạn 2017-2020. Theo đó, phải đảm bảo phân bổ đúng chính sách, chế độ, chi trả kịp thời, đúng đối tượng.

Kết thúc năm, thực hiện quyết toán kinh phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách tiền lương, an sinh xã hội do Trung ương ban hành.

Trong đó, chi tiết kết quả thực hiện đối với từng chính sách, chế độ an sinh xã hội theo đúng chế độ quy định, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, xử lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam