Thừa Thiên - Huế: Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch

17:44 | 05/03/2021 Print
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp để phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100% kế hoạch. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu có các chế tài mạnh để xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

KBNN Thừa Thiên Huế

Dự án phục hồi và tôn tạo Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu đã được KBNN Thừa Thiên Huế giải ngân đúng tiến độ trong năm 2020. Ảnh: H.T

Giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao

Báo cáo từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, tiến độ và kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 của tỉnh chưa đạt theo yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2020 là 4.744 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/1/2021, 80% số vốn này mới được giải ngân (tương đương với 3.779 tỷ đồng).

Việc giải ngân không hết kế hoạch vốn giao được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ ra là do nhiều yếu tố khách quan đem lại. Đơn cử là đặc trưng thời tiết nắng lắm mưa nhiều của các tỉnh miền Trung và Thừa Thiên - Huế thường kéo dài, trong khi đặc thù của công tác xây dựng cơ bản lại phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nên nhiều công trình vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) phải đình hoãn thi công trong thời gian dài, không có khối lượng nghiệm thu, thanh toán.

Hơn nữa trong năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của trận mưa bão lịch sử, tại Thừa Thiên - Huế phải đình hoãn nhiều dự án đang có tỷ lệ giải ngân rất tốt (trên 80%) như dự án: Kè Thuận An - Tư Hiền, Kè sông Hương… Sau mưa bão, các dự án cũng chưa thể bắt tay vào thi công ngay vì đường sá, giao thông bị tắc nghẽn do sạt lở đất, vật liệu xây dựng chưa thể vận chuyển đến các công trình… nên không phát sinh khối lượng nghiệm thu, thanh toán.

Quyết tâm giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021

Năm 2021 được đánh giá còn nhiều khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19 mang lại, do đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước thực trạng này, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021, ngoài việc ra chỉ thị thực hiện đầu tư công vào cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế còn vừa yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thể chế hóa, hướng dẫn thực hiện các văn bản mới của trung ương về quản lý đầu tư xây dựng để triển khai đảm bảo quy định; kịp thời hướng dẫn cho các địa phương, chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc, phát sinh liên quan trong quá trình thực hiện dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế hỗ trợ tối đa quá trình thực hiện các dự án triển khai trên địa bàn, nhất là tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư (vốn NSNN và vốn ODA) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hiện nay, pháp luật về đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, đòi hỏi vai trò, chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành càng lớn. Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu mỗi sở, ngành, địa phương phải rà soát, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các phòng, ban chuyên môn trong công tác tham mưu quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, nghiên cứu và tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án đảm bảo tuân thủ các quy định.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Với mục tiêu đến hết tháng 6/2021 phải giải ngân được 50% kế hoạch vốn và đến tháng 9/2021 phấn đấu giải ngân trên 80% kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư…

Về phía Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Nguyễn Hoàng Đệ cho biết đã tập trung chỉ đạo Phòng Kiểm soát chi và các KBNN huyện, thị xã phải cập nhật kịp thời, đầy đủ kế hoạch vốn đầu tư giao năm 2021, kế hoạch vốn kéo dài để chủ động phối hợp với chủ đầu tư giải ngân kịp thời theo tiến độ giải ngân của dự án.

Đồng thời, trong năm 2021, KBNN Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhằm rút ngắn thời gian thanh toán chỉ trong 1 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, KBNN Thừa Thiên - Huế cũng tiếp tục đề nghị chủ đầu tư thực hiện kê khai và gửi hồ sơ đề nghị thanh toán vốn đầu tư trên Cổng dịch vụ công trực tuyến KBNN đạt tỷ lệ 100% (năm 2020 đạt tỷ lệ 98%) để nâng cao tính công khai minh bạch và cũng để đơn vị theo dõi được quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của KBNN Thừa Thiên - Huế, góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thanh toán tại KBNN./.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam