Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong hội nhập

10:18 | 05/03/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 169/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2023, trong đó, hướng đến tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lực lượng chuyên ngành kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Lực lượng chuyên ngành kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Đây là trao đổi của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên TBTCVN.

PV: Tại Quyết định 169/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có đề cập đến việc khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xin ông cho biết nhận xét của mình về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng Nghị định nêu trên đối với việc triển khai đề án?

Ông Đậu Anh Tuấn
Ông Đậu Anh Tuấn
Ông Đậu Anh Tuấn: Việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là rất cần thiết để thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương, chính sách thì đã có, đã rõ, vấn đề quan trọng và ưu tiên hiện nay là cần nhanh chóng thể chế hoá các chủ trương, chính sách này. Chúng tôi hy vọng Nghị định này sẽ nhanh chóng được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay và sẽ được ban hành sớm.

PV: Khi mô hình mới triển khai, doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm chủ yếu giao dịch với một đầu mối là cơ quan Hải quan. Đây có phải là điều kiện giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý của mình, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu không thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo tôi, các giải pháp được thực hiện trong mô hình mới không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác kiểm tra chuyên ngành mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, việc đẩy nhanh cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Theo ông, đâu là những nội dung cải cách quan trọng của Đề án nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 38 đã khá rõ về quy trình, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như xác định rõ về cơ quan đầu mối, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, các phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm).

Đặc biệt, Đề án đã nêu việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra… Đề án cũng đã xác định rõ yêu cầu áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan… Đây là những nội dung cải cách rất quan trọng, sẽ giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng tôi hi vọng rằng những nội dung cải cách quan trọng mà Đề án đưa ra sẽ sớm được hiện thực hoá tại Nghị định, truyền tải đầy đủ tinh thần cải cách của Chính phủ trong quy định pháp luật này, cũng như cả quá trình thực thi sau này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp một năm hơn 881 tỷ đồng


Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã đánh giá tác động của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2023 một cách độc lập, khách quan, cho thấy: Mô hình mới sẽ giúp tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm khoảng 54,4%. Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Đối với nền kinh tế, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế. Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.


Đức Việt (thực hiện)

Đức Việt (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam