Kho bạc Nhà nước tiếp tục định hướng cải cách trong năm 2021

10:13 | 03/03/2021 Print
Trong năm 2021, Kho bạc Nhà nước tiếp tục các định hướng cải cách, hiện đại hóa với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất lao động, giảm các thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho công chức, viên chức.

kho bạc nhà nước

Trong năm 2021, KBNN tiếp tục định hướng, cải cách, giảm các thao tác thủ công... Ảnh: H.T

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã xây dựng kế hoạch tiến hành đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ; hoàn thiện các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng CNTT trong và ngoài ngành Tài chính; nhận diện đầy đủ các rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN, trên cơ sở đó, thực hiện phân loại rủi ro, áp dụng những biện pháp phù hợp để quản lý đối với từng loại rủi ro.

Theo đó, trong năm 2021, KBNN sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Thông tư số 136/2018/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN theo hướng giảm mạnh việc chi tiền mặt trực tiếp tại KBNN. Trong đó, đặc biệt tập trung rà soát lại các nội dung được phép chi bằng tiền mặt, mức giá trị tối thiểu của khoản chi được phép chi bằng tiền mặt, mức tối thiểu các khoản chi bằng tiền mặt bắt buộc phải rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại.

Đồng thời, KBNN tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định các đơn vị sử dụng ngân sách được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại nơi thuận lợi cho đơn vị để rút tiền mặt đối với các khoản chi NSNN bằng tiền mặt đã được KBNN kiểm soát chi và chuyển tiền về.

Bên cạnh đó, KBNN xây dựng và ban hành quyết định quy định về cảnh báo rủi ro trong thực hiện quy trình kiểm soát chi qua KBNN. Trong đó, sẽ phân loại mức độ rủi ro theo các yêu tố như: loại hình đơn vị giao dịch; nội dung chi; giá trị của từng khoản chi; quy mô giao dịch tại mỗi đơn vị KBNN.

Ngoài ra, KBNN sẽ xây dựng Danh mục hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về công tác kiểm soát chi của KBNN theo hướng phân loại từng nội dung chi để giúp các giao dịch viên dễ tra cứu trong quá trình kiểm soát chi NSNN.

Về lâu dài, khi có dự án sửa đổi Luật NSNN 2015, Vụ Kiểm soát chi - KBNN sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc KBNN nghiên cứu, rà soát lại trách nhiệm của KBNN trong quá trình kiểm soát chi NSNN theo hướng tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách; trách nhiệm của KBNN ở mức hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của xã hội và phù hợp với định hướng cải cách của Chính phủ...

Các quy định về cảnh báo rủi ro trong quá trình thực hiện quy trình thanh toán của KBNN và các giải pháp kiểm soát rủi ro cũng sẽ được nghiên cứu để ban hành trong năm 2021 này.

Đặc biệt, KBNN đã yêu cầu Cục Kế toán Nhà nước (KBNN) rà soát lại để trình lãnh đạo KBNN phương án sửa đổi quy trình thanh toán thực hiện tại KBNN và tại ngân hàng thương mại (quy trình thanh toán song phương giữa KBNN với ngân hàng thương mại và Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 1/7/2020 hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN) theo hướng: Trường hợp phát hiện sai lầm trong thanh toán, mọi lệnh thanh toán đều phải trả lại cho KBNN, không thực hiện tra soát.

Các KBNN địa phương cũng được lãnh đạo KBNN yêu cầu thực hiện đúng quy trình đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 và Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020; nghiêm cấm các đơn vị KBNN thực hiện in số liệu từ KBNN gửi các đơn vị giao dịch đối chiếu và ký xác nhận.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam