COVID-19 tới 6 giờ sáng 19/1: Thế giới gần 96 triệu người mắc bệnh

09:30 | 19/01/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 444.976 trường hợp mắc COVID-19 và 8.712 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên sát 96 triệu ca bệnh.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới một nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia, ngày 29/9/2020.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới một nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia, ngày 29/9/2020.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 95.964.385 ca, trong đó có 2.048.143 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 68.355.704 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 25.308.934 ca và 111.195 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 18/1, thế giới có tới 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới trong ngày 17/1 (gồm 93 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 16 ca nhập cảnh), không có ca tử vong. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 54 ca ở tỉnh Hà Bắc (Hebei), 30 ca ở tỉnh Cát Lâm (Jilin), 7 ca ở Hắc Long Giang (Heilongjiang) và 2 ca ở thủ đô Bắc Kinh.

Tính đến hết ngày 17/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 88.336 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.400 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Chính quyền thành phố Công Chúa Lĩnh (Gongzhuling) thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, ngày 18/1 đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho toàn cư dân thành phố.

Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thêm gần 3 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 có liên quan tới một nhân viên chào hàng tăng vọt.

Mặc dù Trung Quốc đã tương đối kiểm soát được dịch COVID-19, song sự gia tăng mạnh các ca mắc trong vài tuần qua đã khiến nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và triển khai nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt. Hiện tại có hơn 19 triệu dân ở vùng Đông Bắc không được phép rời khỏi nhà do các lệnh hạn chế đi lại.

Hàn Quốc ghi nhận 389 ca nhiễm mới trong ngày 18/1, trong đó 366 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca nhiễm mới ngày 18/1 giảm mạnh so với 520 ca ghi nhận một ngày trước đó và là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 25/11/2020.

Những con số trên cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu chững lại sau khi nước này trải qua đỉnh dịch vào ngày 25/12/2020 với 1.240 ca nhiễm. Tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước tính đến nay là 72.729 ca, trong đó có 1.264 ca tử vong (gồm 15 ca tử vong mới).

Nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Brazil, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới của virus này lên 18 người tại Hàn Quốc, trong đó có 15 người nhiễm biến thể mới của virus được phát hiện ở Anh và 2 người nhiễm biến thể khác của virus được phát hiện ở Nam Phi. Bắt đầu từ ngày 18/1, tất cả những người nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi họ đến.

Nhật Bản thông báo phát hiện thêm 5.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 331.256 người. Tổng số trường hợp tử vong vì dịch COVID-19 cũng tăng thêm 49 người lên 4.538. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 972 người. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp số ca nguy kịch tăng lên các mức kỷ lục mới.

Chính quyền thủ đô Tokyo cũng xác nhận 1.204 ca mắc mới, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp lần hai tại địa phương này đã bước sang ngày thứ 10. Nhật Bản cũng thông báo kế hoạch thiết lập hệ thống để giám sát một cách hiệu quả các công dân nước ngoài dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh nước này. Hiện các cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn lưu tên và quốc tịch của các công dân nước ngoài tại các trạm kiểm dịch khi họ nhập cảnh.

Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu này hoạt động riêng rẽ với hệ thống HER-SYS, vốn được triển khai từ tháng 5/2020 để theo dõi tình hình lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản theo thời gian thực. Kế hoạch mới tìm cách kết nối hai hệ thống dữ liệu trên với nhau thông qua số hộ chiếu của người nhập cảnh, từ đó giới chức y tế trên toàn quốc có thể chia sẻ thông tin về người nước ngoài nhiễm virus một cách nhanh chóng. Hệ thống kết nối dự kiến hoàn tất trong tháng 1.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran

Tại Trung Đông, Iran đã mua 16,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Cụ thể, Tehran đã chi 52 triệu USD mua 16,8 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX để tiêm phòng cho 8,4 triệu người.

Theo kế hoạch, số vaccine này sẽ đến Iran trong vòng 2 tháng tới, giúp đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trước khi nước này bắt đầu tự sản xuất vaccine. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo sẽ hạ độ tuổi tối thiểu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ 18 tuổi xuống 16 tuổi.

UAE đang cấp miễn phí vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) cho mọi cư dân sinh sống tại nước này. Riêng tiể u vương quốc Dubai cho phép người dân lựa chọn giữa vaccine của Sinopharm và vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý khủng hoảng và thảm họa khẩn cấp quốc gia UAE không nêu rõ độ tuổi tối thiểu tiêm phòng đối với mỗi loại vaccine.

Trong khi đó, Israel thông báo bắt đầu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho các tù nhân, bao gồm cả tù nhân người Palestine. Về phần mình, Chính quyền Palestine (PA) xác nhận đã ký hợp đồng mua vaccine với 4 nhà cung cấp, trong đó có vaccine Sputnik V của Nga. PA dự kiến sẽ nhận được đủ vaccine cho 70% người Palestine, bao gồm ở Bờ Tây và Dải Gaza, vào giữa tháng 3 tới.

Tại châu Âu, Anh thông báo tốc độ tiêm chủng đạt mức 140 người/phút. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm khi Anh mở rộng các trung tâm tiêm chủng, từ 17 trung tâm hiện nay lên thành 50 trung tâm vào cuối tháng 1/2021. Ngoài ra, vào cuối tháng 1 này, Anh sẽ triển khai chương trình thí điểm tiêm chủng 24h/7 tại thủ đô London.

Riêng vùng England sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của chương trình tiêm phòng ngừa COVID-19 trong ngày 18/1, theo đó bắt đầu cung cấp vaccine cho những người từ 70 tuổi trở lên và những người được xem là dễ nhiễm bệnh. Cho đến nay, chương trình tiêm phòng được xem là lớn nhất ở châu Âu này mới chỉ tập trung vào những người từ 80 tuổi trở lên, các nhân viên y tế và chăm sóc tuyến đầu.

Anh ngày 17/1 ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/12/2020 với 38.598 ca và 671 ca tử vong. Đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 3,39 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 89.200 ca tử vong.

Đức vừa phát hiện một biến thể chưa được xác định của virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Dịch bệnh đã bùng phát tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen, nơi 73 bệnh nhân và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Hiện bệnh viện này đã tạm ngừng mọi hoạt động thông thường và được đặt ở chế độ khẩn cấp. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn nhấn mạnh Chính phủ liên bang Đức cam kết hỗ trợ toàn diện cho các phòng xét nghiệm nhằm tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus. Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Đức tính đến sáng 18/1 là 7.141 ca và 214 người tử vong, nâng số ca mắc và tử vong tại Đức lên lần lượt là 2.040.659 ca và 46.633 ca tử vong.

Giới chức Bồ Đào Nha lo ngại hệ thống y tế công cộng của nước này có nguy cơ sụp đổ do các bệnh viện tại những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đang sắp hết giường phục vụ bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc tích cực (ICU).

Theo trang web ourworldindata.org do Đại học Oxford hỗ trợ, Bồ Đào Nha có số ca nhiễm tính theo đầu người trong vòng 7 ngày qua cao nhất ở châu Âu, với phần lớn tập trung ở thành phố Lisbon. Nhiều bệnh nhân đang được điều trị các bệnh viện công ở Lisbon đã phải chuyển sang bệnh viện ở các thành phố khác. Ngày 17/1, Bồ Đào Nha ghi nhận 10.385 ca nhiễm mới và 152 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 549.801 ca và 8.861 ca tử vong.

Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm - ông Anthony Fauci đánh giá mục tiêu của Tổng thống đắc cử Joe Biden là tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền kể từ ngày 20/1, là hoàn toàn có thể đạt được.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tính đến nay, đã có 31,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối đến các trung tâm tiêm phòng, nhưng con số này thấp hơn khoảng 40% so với kế hoạch. Hiện các bang trên toàn nước Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh tại Mỹ có chiều hướng xấu đi. Trong 5 ngày qua, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ lên tới gần 20.000 ca. Trước tình hình dịch bệnh này, ông Biden cho biết ông sẽ huy động Lực lượng Vệ binh và Cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ tham gia hỗ trợ thiết lập các trung tâm tiêm chủng.

Một điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức
Một điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức

Theo số liệu thống kê mới nhất của hãng tin AFP (Pháp), đã có hơn 40 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Tính tổng cộng, đã có 7 loại vaccie đang được lưu hành trên khắp thế giới và tất cả các loại đều có phác đồ tiêm 2 mũi. Vaccine Pfizer/BioNTech (do Mỹ và Đức phối hợp chế tạo) và Moderna (Mỹ) là những loại chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và Vùng Vịnh.

Vaccine AstraZeneca/Oxford của Anh được sử dụng nhiều ở Vương quốc Anh và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ cũng sử dụng vaccine do công ty dược phẩm Bharat Biotech của chính nước này sản xuất. Vaccine Sputnik V của Nga đã được triển khai nhiều nhất ở Nga, Argentina, Belarus và Serbia. Trong khi vaccine của hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đang được phân phối tại chính nước này và một loạt quốc gia khác như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Seychelles và Jordan. Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vaccine Sinovac cũng của Trung Quốc.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.524 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 40.200 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 9.648 ca COVID-19 và 295 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 917.015 ca và 26.282 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 14 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.311 ca bệnh mới, 4 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn chút, đồng thời ghi nhận thêm 18 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 18/1, Myanmar có tổng cộng 134.795 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.973 người không qua khỏi.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày không phát sinh ca tử vong nào mới vì đại dịch.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 40.208 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 397 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.805.243 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.489.292 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca COVID-19 nào trong ngày 18/1.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam