Công tác đào tạo, bồi dưỡng ngành Tài chính: Chú trọng, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu

19:18 | 25/02/2021 Print
Giai đoạn 2021 – 2025, trong công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính sẽ hướng đến trọng tâm là đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát triển của ngành...

Đây là chia sẻ của TS. Bùi Minh Chuyên – Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Khoa học, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính với phóng viên TBTCO.

* PV: Thưa ông, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức, viên chức (CCVC) ngành Tài chính đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành và hội nhập quốc tế không chỉ quan trọng, cấp thiết đối với riêng ngành Tài chính mà với cả xã hội. Xin ông cho biết, định hướng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính của Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính trong thời gian tới?

Ông Bùi Minh Chuyên: Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính đã đạt những kết quả nổi bật cả về quy mô, chất lượng đào tạo bồi dưỡng và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù vậy, trước những yêu cầu thực tiễn phát triển của ngành cũng như quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, đòi hỏi năng lực, trình độ của cán bộ CCVC ngành Tài chính phải không ngừng nâng cao hơn nữa, theo đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cũng ngày càng quan trọng và nặng nề hơn.

Đứng trước yêu cầu đó, Trường đã xác định bốn trụ cột trong định hướng đào tạo bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính thời gian tới.

Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm gắn với đề án vị trí việc làm của Bộ Tài chính, thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm để phát triển đội ngũ chuyên gia cho ngành. Đây là trọng tâm trong công tác đào tạo bồi dưỡng của Trường giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ hai, đào tạo bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch bậc, chức danh lãnh đạo quản lý... nhằm hoàn thiện chứng chỉ, bằng cấp cho đội ngũ CCVC ngành Tài chính theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, CCVC.

Trước sự phát triển nhanh của các loại hình dịch vụ tài chính, thị trường tài chính quốc tế, đòi hỏi nhân lực làm việc trong các lĩnh vực thuộc ngành Tài chính (như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý thuế, dịch vụ kế toán - kiểm toán, hải quan...) phải đảm bảo những yêu cầu cao về kỹ năng nghiệp vụ, năng lực chuyên môn. Vì vậy, đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính luôn phải tiên phong trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới.

Anh Chuyen

Ông Bùi Minh Chuyên

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng diện rộng thông qua ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng về quản lý tài chính, kế toán cho CCVC các bộ, ngành, địa phương để tạo “cánh tay nối dài” về chức năng quản lý tài chính – ngân sách của ngành.

* PV: Bên cạnh những trọng tâm đào tạo trên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh hiện nay, công tác đào tạo bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính còn cần tập trung vào những vấn đề gì nữa, thưa ông?

Ông Bùi Minh Chuyên: Tôi cho rằng, đội ngũ CCVC ngành Tài chính phải là người vừa có năng lực chuyên môn cao vừa là người có phẩm chất đạo đức tốt.

Bởi vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, để góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách và trước sự phát triển nhanh của các loại hình dịch vụ tài chính, thị trường tài chính quốc tế, đòi hỏi nhân lực làm việc trong các lĩnh vực thuộc ngành Tài chính (như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý thuế, dịch vụ kế toán - kiểm toán, hải quan...) phải đảm bảo những yêu cầu cao về kỹ năng nghiệp vụ, năng lực chuyên môn. Vì vậy, đội ngũ CCVC ngành Tài chính luôn phải tiên phong trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới. Cũng từ thực tế ấy mà đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa phải đảm bảo tính khuôn thước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm, nhưng cũng vừa phải cập nhật, ứng dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách.

Một đặc thù quan trọng nữa của ngành cần quan tâm đến là môi trường làm việc của công chức ngành Tài chính. Đó là đa số công chức luôn tiếp xúc với môi trường có liên quan đến tiền bạc, tài sản, do đó, nếu những cán bộ, công chức không có phẩm chất đạo đức tốt, không có bản lĩnh vững vàng, không công tâm thì dễ dẫn đến sa ngã, vi phạm pháp luật. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc quản lý đội ngũ công chức từ khâu đào tạo bồi dưỡng đến sử dụng, theo dõi, đánh giá công chức của ngành Tài chính.

Vì thế, thời gian tới, công tác đào tạo bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính cần đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng về đạo đức công vụ để mỗi CCVC ngành Tài chính phải thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Đó chính là một trong những tiêu chí phẩm chất đạo đức của người cán bộ tài chính.

* PV: Năm 2021 dịch bệnh Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, do đó để hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng CCVC ngành Tài chính đã được lãnh đạo Bộ giao, Trường đã đề ra những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Minh Chuyên: Ngay từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã chủ động phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo lãnh đạo Bộ về triển khai đào tạo bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 418/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng trực tuyến và Quyết định số 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 về việc phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đối với CCVC của Bộ Tài chính.

Trong năm 2021, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Trường sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các phần mềm đào tạo bồi dưỡng diện rộng, thông qua ứng dụng tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho đội ngũ CCVC ngành Tài chính...

* PV: Xin cảm ơn ông!

Tính đến ngày 31/12/2020, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã tổ chức được 275 lớp (83 lớp theo kế hoạch ngân sách Bộ giao cho 3.470 lượt học viên cho đội ngũ CCVC ngành Tài chính và 192 lớp ngoài kế hoạch ngân sách cho 16.265 lượt học viên), trong đó 116 lớp tổ chức theo hình thức trực tuyến (chiếm 78,5%) đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các lớp bồi dưỡng theo hình thức trực tiếp chủ yếu là các lớp ngắn ngày và các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp vụ...

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam