Công khai nguồn đóng góp tự nguyện là hoàn toàn hợp lý

22:14 | 23/02/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, công khai, minh bạch, có trách nhiệm là những tiêu chí hàng đầu để đảm bảo nguồn đóng góp, cứu trợ có hiệu quả và bền vững lâu dài.

cu

Hoạt động cứu trợ tiền mặt không điều kiện hỗ trợ tái thiết cuộc sống sau lũ lụt của Oxfam tại Hà Tĩnh.

PV: Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố và xin ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ/NĐ-CP (NĐ 64) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc sửa đổi NĐ 64?

Ông Phạm Quang Tú: NĐ 64 được ban hành vào năm 2008. Lúc đó Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách quốc gia có thu nhập thấp và việc ban hành NĐ 64 chủ yếu là để điều chỉnh những hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp của nước ngoài cho Việt Nam.

tu

Ông Phạm Quang Tú

Tuy nhiên trong những năm gần đây, phong trào đi làm từ thiện, cứu trợ mỗi khi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh của các cá nhân rất sôi nổi. Đồng thời, Nhà nước cũng có chính sách chung là tạo điều kiện thuận lợi để người dân tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, qua đó giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Vì vậy, NĐ 64 không còn phù hợp nữa, nếu không thay đổi thì sẽ làm hạn chế, cản trở những tấm lòng thiện nguyện của người dân. Ngoài ra, NĐ 64 ban hành là để hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2002, Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) 1999. Đến nay, các luật này đều đã sửa đổi nên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, NĐ 64 cũng hết hiệu lực.

Việc sửa đổi NĐ 64 là rất đáng hoan nghênh, đặc biệt trong thời gian vừa rồi việc khắc phục hậu quả đợt bão lũ miền Trung, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về các quy định của nghị định này. Tôi đánh giá cao tính cần thiết và phản ứng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu sửa đổi NĐ 64. Tôi cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Tài chính, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhanh chóng xây dựng xong dự thảo và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

PV: So với NĐ 64 cũ, đâu là điểm mới của dự thảo của Bộ Tài chính soạn thảo mà ông tâm đắc nhất?

Ông Phạm Quang Tú: Dự thảo nghị định đưa ra quy định tạo thuận lợi cho tất cả các cá nhân và tổ chức tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp. Đây là một điểm mới rất đáng hoan nghênh và nổi bật của dự thảo mới so với quy định cũ. Trước đây, công việc này do MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội - từ thiện và cơ quan báo chí đảm nhiệm. Dự thảo đã mở rộng chủ thể được vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng viện trợ, đặc biệt là các cá nhân. Quy định mới này đảm bảo tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự và đảm bảo đáp ứng được thực tế là hiện nay, người dân tham gia công tác từ thiện, cứu trợ nhân đạo rất nhiều.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc công khai nguồn đóng góp tự nguyện được Bộ Tài chính đề cập trong dự thảo nghị định sửa đổi này? Với 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo, cá nhân ông thấy phương án nào là hợp lý?

Ông Phạm Quang Tú: Công khai, minh bạch, có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn đóng góp là những tiêu chí hàng đầu để đảm bảo những đóng góp, cứu trợ có hiệu quả và bền vững lâu dài. Tuy nhiên, việc công khai minh bạch được thực hiện thế nào là tùy đối tượng.

Nên tính đến việc xây dựng luật về thiện nguyện

“Mặc dù Nghị định 64 và dự thảo mới tập trung chủ yếu vào vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp cho thiên tai, dịch bệnh, sự cố khẩn cấp và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tuy nhiên, theo tôi phạm vi điều chỉnh nên tách vấn đề hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ra, chỉ nên trong phạm vi thiên tai, dịch bệnh và sự cố khẩn cấp. Ngoài ra, bên cạnh nghị định này, Quốc hội, Chính phủ nên tính đến việc xây dựng luật về thiện nguyện, để tạo hành lang pháp lý cho người dân có thể làm từ thiện như công việc hàng ngày của họ” - ông Phạm Quang Tú.

Việc tiếp nhận hỗ trợ và công khai nên được chia thành 2 nhóm. Một là nguồn do các cá nhân, tổ chức nước ngoài ủng hộ thông qua MTTQ và Hội Chữ thập đỏ. Hai là đóng góp của các cá nhân cho 1 cá nhân đứng ra kêu gọi. Cả 2 chủ thể này đều tiếp nhận quyên góp, sau đó đi hỗ trợ cho người dân nên đều cần yêu cầu công khai, minh bạch nhưng hai cách thức công khai minh bạch là khác nhau. Nếu như Hội Chữ thập đỏ là nhân danh Nhà nước đứng ra kêu gọi và nhận tất cả nguồn đóng góp thì họ phải công khai toàn dân ở chỗ họ nhận được bao nhiêu, họ quản lý, sử dụng như thế nào. Còn đối với cá nhân, người đứng ra nhận quyên góp cần có trách nhiệm công khai với những người đã đóng góp cho mình.

Hai phương án mà Bộ Tài chính đưa ra về việc công khai đối với cá nhân, tôi ủng hộ phương án 1 hơn. Cụ thể, cá nhân cần thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương nơi thực hiện cứu trợ. Việc phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình cứu trợ là rất cần thiết. Bởi vì, nếu không phối hợp với chính quyền địa phương thì các nguồn hỗ trợ đôi lúc không đúng đối tượng, không đúng nhu cầu và chồng chéo. Chính quyền địa phương sẽ hiểu thực trạng địa phương nhất và họ biết được nơi nào cần hỗ trợ hơn, cần cái gì, đem lại hiệu quả công tác cứu trợ cao hơn.

PV: Ông có khuyến nghị gì cho ban soạn thảo nghị định sửa đổi để quy định về việc huy động và sử dụng nguồn hỗ trợ này thực sự có hiệu quả?

Ông Phạm Quang Tú: Theo tôi, dự thảo lần này là vẫn chưa quy định được rõ ràng và chưa đưa ra được quy trình đảm bảo việc huy động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn cứu trợ.

Dự thảo mở rộng cho cá nhân tham gia nhưng tổ chức thì chưa nhiều. Hiện vẫn giữ các tổ chức tham gia là MTTQ, Hội Chữ thập đỏ. Tôi nghĩ cần mở rộng thêm đối tượng tham gia là các tổ chức xã hội có chức năng nhiệm vụ phù hợp với công tác cứu trợ.

Hiện nay, NĐ 64 và dự thảo mới này đang quy định phần lớn đầu mối tiếp nhận hỗ trợ là MTTQ, nhưng khi rà soát Luật MTTQ thì MTTQ lại không có chức năng này. Nếu vẫn để nguyên điều này thì cần bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ đó cho MTTQ. Hoặc nếu không sửa thì Hội Chữ thập đỏ có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn cứu trợ có thể đứng ra là cơ quan làm đầu mối đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp nhận nguồn viện trợ đóng góp cho Nhà nước Việt Nam.

Cuối cùng, trong NĐ 64 cũng như dự thảo này mới chỉ nói đến việc huy động nguồn cứu trợ và phân bổ, quản lý, sử dụng mà thiếu bước đánh giá thiệt hại. Muốn huy động được phải biết được thiệt hại bao nhiêu. Vì vậy, tôi đề xuất có thêm một bước là bước đánh giá thiệt hại trước khi huy động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần xây dựng cẩm nang hướng dẫn về hỗ trợ nhân đạo

Theo ông Phạm Quang Tú, kinh nghiệm của Oxfam cho thấy, rất cần thiết có những cứu trợ tái thiết sau thiên tai, sự cố và cần cân bằng, hài hòa giữa cứu trợ khẩn cấp tại chỗ và tái thiết sau đó. Do đó, nên đưa quy định về hỗ trợ tái thiết cuộc sống sau thiên tai, dịch bệnh, sự cố khẩn cấp vào trong dự thảo nghị định mới vào bước sử dụng nguồn viện trợ. Đồng thời, trong nghị định sửa đổi nên có 1 phụ lục hướng dẫn quy trình về đánh giá thiệt hại, huy động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ này từng bước một. Quy trình này giống như một cẩm nang để những người đi làm từ thiện, cứu trợ có thể biết cần phải làm gì để đảm bảo hiệu quả, không lãng phí, chồng chéo khi thực hiện.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam