Cổ phiếu ngân hàng: "Thế lực đáng gờm" năm Tân Sửu

14:28 | 17/02/2021 Print
(TBTCVN) - Bức tranh năm Tân Sửu 2021 mở ra với một trạng thái mới nhiều cảm xúc và nhóm các cổ phiếu ngân hàng - vốn đã là nhóm cổ phiếu có sức ảnh hưởng trên sàn chứng khoán thời gian trước - nay càng trở thành “thế lực đáng gờm” hơn sau hàng loạt các gương mặt mới đã chào sàn năm ngoái.

nh

Việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu ngân hàng hòa nhịp thị trường

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng buộc phải niêm yết để tăng tính minh bạch và điều này đã tạo một làn gió mới từ động thái niêm yết cổ phiếu ngân hàng và sàn chứng khoán trong năm 2020. Theo đó cho đến tận những ngày cuối năm 2020 vừa qua, nhiều gương mặt cổ phiếu ngân hàng mới vẫn lần lượt được chào hàng trước các nhà đầu tư.

Ngân hàng chào sàn gần đây nhất và cũng là ngân hàng niêm yết “tất niên” 2020 là Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank, mã chứng khoán MSB). Với quy mô vốn điều lệ 11,75 nghìn tỷ đồng, Maritime Bank tuy không phải là một ngân hàng quá lớn, nhưng cũng là một “chiến binh” ít nhiều có “số má” trong khối các ngân hàng cổ phần. Theo đó, sự góp mặt trên sàn của cổ phiếu MSB tiếp tục giữ nhiệt cho làn sóng niêm yết của các cổ phiếu ngân hàng cũng như góp phần gia tăng sức ảnh hưởng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán.

Các nhà quan sát cho rằng, trong dòng chảy hòa nhập của cổ phiếu ngân hàng với thị trường chứng khoán, các ngân hàng khi lên sàn sẽ dễ dàng huy động vốn hơn, cũng như thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp.

Trong khi đó, một số ngân hàng không kịp đưa cổ phiếu lên niêm yết, thì cũng tạm trú chân tại sân chơi giao dịch cho các công ty đại chúng, đó là sàn UPCoM. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex là gương mặt lên chuyến tàu cuối trên sàn UPCoM với mã chứng khoán PGB.

Lãi suất thấp, dòng tiền rẻ đang đổ vào thị trường chứng khoán càng tạo thêm sự cộng hưởng cho các ngân hàng càng thuận lợi hơn khi góp mặt trên sàn chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin thị trường đang trỗi dậy mạnh mẽ sau giai đoạn các nhà đầu tư phải tạm “thu mình” chờ đợi và quan sát trong một số thời kỳ cao trào của dịch Covid-19 năm 2020.

Nhìn rộng ra bức tranh chung, vào thời điểm đầu năm khi đại dịch bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lúc giảm điểm khá sâu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khá nhiều, nhưng sau đó đã ổn định, phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục vào giai đoạn cuối năm 2020.

Thị trường chứng khoán dù đang tăng tốc tích cực, nhưng giới chuyên gia nhận định chưa xuất hiện biểu hiện bong bóng, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Ông Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, những năm qua nền kinh tế trong nước đã đạt được những tích lũy và giữ được nền tảng tốt. Năm vừa qua, Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP vào hàng cao nhất thế giới và là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng dương.

Về ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn tiếp theo, ông Bằng cho biết, sang năm 2021, thế giới sẽ có vắc xin nên dịch bệnh khả năng sẽ dần được kiểm soát. Do đó, dòng vốn rẻ do lãi suất thấp sẽ còn duy trì trong thời gian tới nên nền tảng cho thị trường chứng khoán năm 2021 là rất tốt. “Tôi cho rằng ở góc độ quản lý, chúng ta chưa nên có động thái can thiệp hành chính gì khiến dòng chảy của các dòng vốn bị chặn lại ở thời điểm này”, ông Bằng nói.

Các nhà quan sát cho rằng, trong dòng chảy hòa nhập của cổ phiếu ngân hàng với thị trường chứng khoán chung, các ngân hàng khi lên sàn sẽ dễ dàng huy động vốn hơn, cũng như thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp.

Ngoài ra, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này. Có nhiều lý do ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng, nhưng kỳ vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực thật sự của ngân hàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Một ngân hàng kinh doanh có hiệu quả, “sức khỏe” thật sự tốt, lợi nhuận tăng trưởng liên tục, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, sẽ luôn ẩn chứa nhiều cơ hội để cổ phiếu của ngân hàng đó tăng giá.

Theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cổ phiếu nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%.

Đà tăng của SHB bắt đầu từ đầu tháng 1 và bứt phá mạnh trong tháng 3 với hàng loạt phiên tăng kịch hoặc tiệm cận mức trần 10%. Cổ phiếu này đạt đỉnh vào giữa tháng 4 tại vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu. SHB cũng có những giai đoạn rung lắc thử thần kinh nhà đầu tư khi liên tục giảm giá trong quý II, xuống mức 10.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu này đã hồi phục trong nửa cuối năm và tiệm cận mức đỉnh 18.000 đồng/cổ phiếu vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020.

Ngoài SHB, VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế cũng là một gương mặt gây ấn tượng với mức tăng gần 125% trong năm 2020, còn LPB của LienVietPostBank cũng nằm trong danh sách 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020 khi tăng giá gấp 2 lần trong năm qua.

Cả ba cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trong năm vừa qua đều có một điểm chung là đã hoặc đang tiến hành đưa cổ phiếu lên giao dịch tại HOSE.

Khẩu vị của “ông trùm” tài chính quốc tế

Trong nhịp đập giao hòa giữa các cổ phiếu cũ và mới nhóm ngân hàng cũng như với bản hòa ca chung của cả thị trường, “món ăn” cho nhà đầu tư trong năm Tân Sửu 2021 đang khá thịnh soạn. Đây không hề là một yếu tố cảm quan, mà cũng còn được khẳng định bởi những ông trùm tài chính tầm cỡ quốc tế.

Vừa qua, Tổ chức tài chính quốc tế JP Morgan đã phát hành một bản phân tích, trong đó có những đánh giá cho rằng, cổ phiếu ngân hàng Việt đã tăng tốt, vượt trội hơn hẳn so với các nước trong khu vực ASEAN và tiềm năng tăng giá với một số cổ phiếu vẫn còn. JP Morgan cho biết các ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực ưa thích của họ trong khu vực và duy trì quan điểm tăng trưởng cao với các ngân hàng Việt Nam, đóng góp vào sự phục hồi tăng trưởng mà theo dự báo của tổ chức tài chính này có thể đạt tới 8,3% vào năm 2021.

Đánh giá sơ lược về một số cổ phiếu ngân hàng cụ thể, cổ phiếu TCB của Techcombank và VPB của VPBank có thể giao dịch với giá so với giá trị sổ sách dự báo năm 2021 là 1,06 và 1,12 lần. Techcombank có điểm mạnh về CASA (Current Account Savings Account - Tiền gửi không kỳ hạn) và thu nhập ngoài lãi. Còn người anh em ACB có thế mạnh chính là cho vay tiêu dùng có bảo đảm và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, trọng tâm là chủ doanh nghiệp. Hai mảng này chiếm 90% dư nợ cho vay. Hơn 90% các khoản vay của ACB được bảo đảm và giá trị khoản vay thấp (khoảng 60% giá trị thị trường) do đó dự phòng ở mức tốt.

Món ngon nhưng vẫn có xương

Món ăn năm mới cho nhà đầu tư tuy hấp dẫn là vậy, nhưng không phải không có những “khúc xương”, vì thế mà bữa tiệc hoàn hảo không dành các thực khách chỉ biết nhắm mắt nuốt vô.

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế từng có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, ngành ngân hàng còn đang bị bó buộc về cơ chế. Ví dụ như giới hạn tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung – dài hạn năm 2018 là 60%, đến năm 2019 bị siết còn 40% và hiện nay còn 37%, thậm chí 34%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phải cạnh tranh trên sàn với nhóm cổ phiếu cũng giàu thế lực không kém, đó là bất động sản.

Một số nhà quan sát cho rằng, thị trường chứng khoán sau một nhịp tăng trưởng thăng hoa sẽ là trào lưu tiếp nối của thị trường bất động sản. Một bộ phận nhà đầu tư sau khi chốt lời trên sàn chứng khoán sẽ chuyển dịch vốn đầu tư sang mua nhà đất. Sàn chứng khoán có thể sẽ vẫn còn một lực lượng nhà đầu tư tiếp tục bám trụ, nhưng dòng tiền trong bối cảnh đó sẽ có xu hướng hút vào các cổ phiếu bất động sản.

Theo số liệu kinh doanh của một số ngân hàng “đầu tầu” trong số các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết, năm 2020 Vietcombank đạt lãi trước thuế tương đương năm ngoái, đạt 23.000 tỷ đồng. Với Vietinbank, ngân hàng này đạt lợi nhuận riêng lẻ năm 2020 là 16.450 tỷ đồng (tăng 43,5%) so với năm trước do tín dụng và các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng tốt. BIDV đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9.017 tỷ đồng cho năm 2020, lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng.

Hoàng Long

Hoàng Long

© Thời báo Tài chính Việt Nam