Siêu thị, chợ hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu người dân

17:10 | 15/02/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, ngày mùng 4 Tết, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống lớn đã mở bán hàng trở lại. Nhiều siêu thị đã mở cửa sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhìn chung, nguồn cung và giá cả các mặt hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

hoa quả

Hoa quả vào mùa giá cả ổn định. Ảnh: T.T.

Giá rau xanh, hoa quả tại một số địa phương giảm

Nhu cầu mua sắm trong ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Tân Sửu của người dân chưa nhiều, tập trung vào buổi sáng. Các mặt hàng mở bán và lượng khách mua hàng chủ yếu là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống và một số đồ phục vụ cúng lễ hóa vàng theo phong tục truyền thống.

Giá lợn hơi ngày mùng 4 Tết tăng nhẹ vài nơi sau nhiều ngày liên tiếp giảm sâu. Hiện tình hình giao dịch lợn hơi vẫn còn ảm đạm. Tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi dao động quanh mức 75.000 - 78.000 đồng/kg. Tại miền Trung đang thu mua quanh mốc 75.000 - 79.000 đồng/kg. Toàn miền Nam, giá thịt lợn hơi ổn định dao động quanh ngưỡng 77.000 - 80.000 đồng/kg.

Mặc dù lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân cũng đã hạn chế đi lễ đầu năm, tuy nhiên, giá dịch vụ trông giữ xe tự phát tại các khu vực du lịch tâm linh vẫn cao hơn so với ngày thường.

Nhìn chung, theo Bộ Tài chính, nguồn cung và giá cả các mặt hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ nhưng không có tăng đột biến, như các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá.

Qua khảo sát, Bộ Tài chính đã tổng hợp diễn biến giá cả tại một số địa phương trên cả nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày mùng 4 Tết, giá cả các mặt hàng đa số đã giảm và trở về mức giá ngày thường. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm hạn chế, hàng hóa dồi dào dẫn đến giá cả không biến động nhiều so với trước Tết. Riêng một số mặt hàng rau, củ, quả từ Đà Lạt chuyển về tăng 10 - 15% do phát sinh chi phí tăng do dịp Tết. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 34% - 45% so ngày thường.

Tại TP. Hà Nội, qua khảo sát của cán bộ thị trường của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tình hình thị trường giá cả sáng ngày mùng 4 Tết của một số chợ lớn khá nhộn nhịp, lượng người bán và người mua tăng nhiều so với ngày mùng 3 Tết. Tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình, về cơ bản, cung hàng hóa phong phú như rau, thịt lợn, thủy sản, hoa. Khảo sát trực tiếp tại chợ cho thấy giá thịt lợn, thịt bò so với hôm qua đã giảm về mức trước Tết. Thịt bò thăn khoảng 300.000 đồng/kg, thịt lợn thăn giá từ 170.000 - 200.000/kg.

Tại một số chợ khác khu vực Hoàng Mai, Long Biên, Cầu Giấy, lượng người mua vẫn thưa vắng, chỉ bằng 2/3 so với ngày thường. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định.

Qua khảo sát tại TP. Đà Nẵng, nhiều chợ, siêu thị đã hoạt động trở lại, tuy nhiên nhu cầu mua sắm của người dân không nhiều. Đáng chú ý, giá rau quả tươi các loại giảm nhiều so với thời điểm trước đó. Giá giảm dần do lượng hàng bán còn dư để lại tiếp tục bán và nhu cầu mua sắm của người dân vào thời điểm này không cao. Các loại thực phẩm công nghệ như đường, dầu ăn, bia, nước ngọt và bột ngọt giá ổn định, không có biến động. Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do Ban Quản lý chợ quản lý thu theo đúng giá quy định của UBND thành phố là 5.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, tại một số điểm giữ xe tư nhân có nơi giá vé lên đến 10.000 đồng/chiếc.

Tại Đồng Tháp, những ngày sau Tết, nhu cầu mua sắm của người dân không nhiều. Đến ngày mùng 4 Tết sức mua đã trở lại bình thường, tuy nhiên nhu cầu vẫn không cao như những ngày trước Tết. Giá các loại rau, hoa quả giảm dần do nhu cầu mua sắm của người dân không cao. Giá dịch vụ giữ xe máy tại các điểm tư nhân với mức thu từ 5.000 – 10.000 đồng/chiếc.

Nhiều địa phương làm tốt công tác bình ổn giá

Qua báo cáo của các Sở Tài chính Quảng Nam, Tiền Giang… thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn các tỉnh năm nay phong phú, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đủ sức cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết và chưa có tình trạng đột biến giá xảy ra trong những ngày cận Tết. Đặc biệt, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm hơn 90% và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Các loại hàng thiết yếu của các đơn vị tham gia bình ổn giá đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 3 - 5%.

UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tốt công tác dự trữ hàng hóa, kiểm dịch chặt chẽ các mặt hàng gia cầm, an toàn thực phẩm… thực hiện tốt việc bình ổn giá phục vụ trong dịp Tết. Đồng thời việc chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng bình ổn giá đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, sức mua năm nay tại các chợ thấp hơn so với cùng kỳ. Mặc dù nhu cầu mua sắm trong các ngày Tết tăng cao so với ngày thường nhưng nhìn chung giá cả hàng hóa trong những ngày Tết tại các địa phương khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến.

Dự báo, ngày mùng 5 Tết, các chợ dân sinh tiếp tục mở hàng bán, đồng thời, một số siêu thị mở cửa trở lại. Nhu cầu mua sắm sáng mồng 5 Tết của người dân vẫn sẽ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, hoa quả, một số loại thực phẩm tươi sống, các mặt hàng phục vụ cúng lễ, hoa tươi.

Cục Quản lý giá dự báo giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục không có biến động nhiều so với ngày mùng 4 Tết. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm, đi lễ chùa và đi chơi những ngày cuối Tết sẽ tăng.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam