Hội nhập tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới: Thành công mới, triển vọng mới

10:27 | 15/02/2021 Print
(TBTCVN) - Với tư cách là đơn vị chủ trì các nội dung cam kết về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết từ các hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc NH trung ương ASEAN (10/2020). Ảnh: Đức Minh

Trong năm 2020, ngành Tài chính đã đóng góp tích cực vào thành công trong việc thực thi các FTA.

Chủ động nội luật hóa các nội dung cam kết

Trong bối cảnh nhiều bất lợi do dịch bệnh Covid-19 tạo ra các rào cản trong công tác đối ngoại, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, tiếp nối những thành công trong công tác hội nhập của các giai đoạn trước, năm 2020 tiếp tục ghi nhận những thành công trong đàm phán và thực thi các cam kết trong các FTA.

Sau gần một năm ký kết, tháng 6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đây là điểm nhấn nổi bật nhất trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2020. Nhằm thực thi có hiệu quả hiệp định này, ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1241/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Tài chính.

Trong công tác xây dựng pháp luật thể chế, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022. Đối với các cam kết khác, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục triển khai theo đúng mục tiêu đề ra tại Kế hoạch thực thi.

Bên cạnh EVFTA, năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thêm 2 nghị định nhằm hướng dẫn thực thi cam kết hội nhập khác để thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc và Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba.

Trong công tác xây dựng văn bản nội luật hóa đối với thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan, kể từ khi bắt đầu thực hiện các FTA đến nay, ngành Tài chính đã chủ trì soạn thảo 60 văn bản, trong đó gồm: 12 quyết định, 25 thông tư và 23 nghị định (trong đó, có 13 nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 13 FTA đang thực hiện của Việt Nam). Trên cơ sở cam kết tại các hiệp định, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong hoàn thiện khung khổ pháp luật về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính. Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đóng góp tích cực vào việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng. Với thành quả của công tác cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong số các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế và quản lý hải quan theo kịp với các nước phát triển.

Trong công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, UBND, các tạp chí, báo, đài các tỉnh tổ chức tuyên truyền, phố biến, tập huấn về các cam kết thuế, hải quan, dịch vụ tài chính trong EVFTA, CPTPP cũng như các FTA đang triển khai.

Song song với việc nội luật hóa các cam kết tại các hiệp định mới, việc theo dõi thực thi, đánh giá tác động triển khai các cam kết trong các FTA đặc biệt đối với cắt giảm thuế quan luôn được quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực thi, có ý nghĩa không chỉ trong thống kê, nghiên cứu mà còn góp phần không nhỏ trong hoạch định chính sách đảm bảo cân đối nguồn thu, xây dựng các chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế với lộ trình cam kết phù hợp, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thời gian để thích ứng và chuẩn bị.

Đảm bảo an toàn, bền vững nguồn tài chính quốc gia

Về tác động trực tiếp, có thể nói việc tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có đóng góp không nhỏ bởi các thành công trong đàm phán, ký kết các FTA, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế. Đây là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệp định CPTPP sau gần 2 năm thực thi có những đóng góp chung cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Việc tham gia hội nhập sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu cũng đi kèm những thách thức do xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, trên tinh thần của Nghị quyết số 07/2016-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020, toàn ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa một cách hợp lý, tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế.

Trong cuối năm 2020, công tác hội nhập tiếp tục có những ghi nhận khi sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết, cùng với đó là việc hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh.

Năm 2021, công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập tài chính nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là trong việc xây dựng Chiến lược hội nhập ngành Tài chính giai đoạn 5 năm, 10 năm, công tác đàm phán, ký kết, triển khai cam kết trong các FTA, tiếp tục đóng góp vào thành công trong xây dựng, phát triển đất nước, góp phần vào thắng lợi chung của toàn ngành Tài chính trong năm đầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chủ trì soạn thảo 60 văn bản

Từ khi bắt đầu thực hiện các FTA đến nay, ngành Tài chính đã chủ trì soạn thảo 60 văn bản, trong đó gồm: 12 quyết định, 25 thông tư và 23 nghị định (trong đó, có 13 nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 13 FTA đang thực hiện của Việt Nam). Trên cơ sở cam kết tại các hiệp định, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong hoàn thiện khung khổ pháp luật về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính.

Hà Duy Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

Hà Duy Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

© Thời báo Tài chính Việt Nam