Giá cả không biến động trong ngày mùng 1 Tết Tân Sửu

21:21 | 12/02/2021 Print
Theo báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu của Bộ Tài chính gửi Văn phòng chính phủ, giá cả trong ngày này không có nhiều biến động do là ngày đầu tiên của năm, người dân chưa có nhu cầu mua sắm.

rau

Hệ thống các siêu thị chuẩn bị lớn lượng hàng trước Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: T.T.

Đã có siêu thị mở cửa trong ngày

Ngày mùng 1 Tết, cả nước, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đóng cửa, ngoại trừ một số quầy hàng, cửa hàng mở cửa bán các mặt hàng bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đồ cúng lễ thắp hương để phục vụ đi lễ đền chùa và du xuân, tuy nhiên, số lượng khách mua rất ít. Một số siêu thị mở cửa lại từ trưa hoặc chiều mùng 1 Tết.

Theo Bộ Tài chính, giá cá hàng hóa nhìn chung không có nhiều biến động vào ngày mùng 1 do hầu hết các gia đình vẫn còn thực phẩm dữ trữ mua chuẩn bị trước tết. Ngoài ra, do người dân chủ yếu đi chúc tết, đi du xuân và đi lễ đầu năm tại các đền, chùa nên giá dịch vụ trông giữ xe tại các khu vực này tăng cao so với ngày thường.

Tại Hà Nội, ngày mùng 1 Tết, tính đến 12 giờ trưa, hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đều thông báo nghỉ Tết. Riêng hệ thống siêu thị Aeon mở cửa từ 12 giờ đến 22 giờ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng người dân ở lại không về quê tăng so với năm trước. Người dân chủ yếu đi du xuân, chúc Tết và đi lễ chùa đầu năm nên tại một số điểm trông giữ xe dịch vụ tăng giá gấp đôi ngày thường.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nghỉ Tết, riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố, thời gian phục vụ từ 11 giờ đến 22 giờ. Tại 3 chợ đầu mối và chợ lẻ, hầu hết các sạp đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả, trái cây, lượng khách đến chợ rất thấp để mua sắm thêm những sản phẩm còn thiếu như rau thơm, gia vị… Bên cạnh đó, các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, Circle K, Family Mart, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24 không nghỉ trong ngày này.

Do hầu hết các hệ thống phân phối ngưng hoạt động và người dân cũng không có nhu cầu mua sắm hàng hóa trong ngày mùng 1 Tết nên giá cả thị trường không có biến động.

Trong ngày đầu năm mới tại TP. Đà Nẵng, hoạt động kinh doanh buôn bán chưa thực hiện do các chợ, siêu thị còn đóng cửa, chưa hoạt động. Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do Ban Quản lý chợ quản lý, thu theo đúng giá quy định của UBND TP. Đà Nẵng. Một số tiệm thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người đã mở cửa, giá bán đúng theo giá niêm yết, không có biến động so với trước Tết.

Đối với TP. Cần Thơ, các siêu thị, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn hầu như ngừng kinh doanh, chỉ còn một số quán phục vụ ăn uống và các quán bán đồ ăn chay hoạt động. Giá cả hàng hóa tương đối ổn định. Đến sáng ngày mùng 2 Tết, theo kế hoạch, sẽ có 2 siêu thị trên địa bàn khai trương bán trở lại và các cửa hàng tiện lợi của hệ thống Satrafoods sẽ hoạt động trở lại theo giờ.

Ngày mùng 1 Tết, tại TP. Hải Phòng, nhìn chung giá cả thị trường không biến động. Các cửa hàng siêu thị, chợ đóng cửa. Nhu cầu mua bán hàng hóa giảm. Mặc dù giá cước taxi không tăng nhưng tình trạng thiếu taxi trong những ngày Tết đặc biệt từ mùng 1-3 Tết diễn ra phổ biến do nhu cầu đi lại trong Tết…

Giá rau xanh, cá có thể tăng nhẹ

Dự báo ngày mùng 2 Tết, một số sạp hàng thực phẩm tươi sống tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng sẽ tiếp tục mở hàng bán lấy may. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm sáng mùng 2 Tết của người dân cũng không nhiều nên giá cả các loại hàng hóa sẽ không có biến động nhiều so với trước Tết.

Giá lương thực, thực phẩm dự báo vẫn ổn định ở mức giá ngày 30 Tết do lượng dự trữ dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong các ngày Tết. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn cao hơn ngày thường do số lượng người dân đi du xuân đầu năm và đi lễ tăng cao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện các chỉ đạo của các cấp, nên nhiều địa phương đã dừng không tổ chức nhiều sự kiện vui chơi, giải trí nên các hoạt động đi chơi, mua sắm, kinh doanh kèm theo các lễ hội giảm đáng kể, giá cả thị trường tiếp tục không có biến động lớn.

Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ dần hồi phục trở lại sau Tết, tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau xanh và cá nên giá các mặt hàng này có thể tăng giá nhẹ.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết.

Các địa phương tiếp tục theo dõi và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm đông người như chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi…

Những năm gần đây, kể cả trong những ngày nghỉ lễ của Tết Nguyên đán, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính luôn bám sát giá cả thị trường, tổng hợp tình hình thị trường trên cả nước, kịp thời báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ để có biện pháp quản lý, bình ổn giá phù hợp./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam