Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới

11:38 | 12/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021 tập trung các yếu tố để làm sao có thể tăng tốc từ năm 2022 trở đi. Khi đó, bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt được tốc độ như đã dự báo, cụ thể là tăng trưởng từ 6,5% đến 7%...

Infographics: T.L   Nguồn: TTXVN

Infographics: T.L Nguồn: TTXVN

Nếu tận dụng tốt những cơ hội mới như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương, sự quyết tâm nâng hạng năng lực cạnh tranh quốc gia trong nhóm ASEAN 4, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là niềm tin rất tốt của doanh nghiệp về hiệu quả chính sách điều hành, kinh tế vĩ mô ổn định…, trong 5 năm tới kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được bước tăng trưởng vượt bậc. Đó là nội dung chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch với TBTCVN trong số báo đặc biệt chào năm mới 2021.

PV: 2020 là năm đặc biệt của kinh tế thế giới và của riêng từng quốc gia khi đều rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19. Riêng kinh tế Việt Nam, ông đánh giá và cảm nhận thế nào khi là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương?

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch: Năm 2020, các tổ chức quốc tế đã thừa nhận Việt Nam đã rất thành công. Do đâu mà thành công như vậy? Theo tôi là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, ngay khi xảy ra đại dịch từ quý I/2020, Chính phủ đã chủ trương phải thực hiện nhiệm vụ kép: Đó là ưu tiên chống dịch đồng thời phải duy trì hoạt động kinh tế trong điều kiện có thể làm được. Thứ hai, trong khi cả thị trường thế giới các hoạt động đều suy giảm, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng 6,5%. Đó là bởi vì cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp đều sản xuất phục vụ cho nhu cầu đời sống, tiêu dùng, lương thực thực phẩm… thành ra những hoạt động liên quan đến xuất khẩu dù có suy giảm nhưng vẫn duy trì. Thí dụ như xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, thị trường EU… Điều này xuất phát từ sự năng động của doanh nghiệp (DN), cụ thể là một số DN du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác ở một số thời điểm để duy trì làm sao không cho người nghỉ việc nhiều, giảm đe dọa về thất nghiệp, vấn nạn xã hội. Thứ ba, là sự đồng thuận của người dân về chủ trương của Chính phủ trong vấn đề chống dịch cũng như hưởng ứng các chính sách mà Chính phủ đề ra ngay từ đầu.

Đó là những nguyên nhân chính giúp Việt Nam thành công trong việc vừa chống dịch, vừa duy trì được tốc độ phát triển kinh tế gần 3% trong khi cả khu vực và thế giới hầu như có tốc độ tăng trưởng âm.

PV: Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có 15 chỉ tiêu và các chỉ tiêu này đều tương đối tham vọng, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng từ 6,5% - 7% đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt từ 4.700 USD - 5.000 USD, tức là vượt qua mức trung bình thấp để đạt mức trung bình cao theo quy định của IMF và các tổ chức quốc tế. Theo ông, chúng ta có thể đạt được những chỉ tiêu này và cách thức để đạt được?

TS. Trần Du Lịch: Trên nền tảng như vậy, khi đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phát triển bình quân là 6,5% - 7% thì có cao không? Chúng ta cũng nên chia giai đoạn này thành 2 thời kỳ: Năm 2021 và từ năm 2022 - 2025. Ở thời kỳ 2021, chúng ta gọi là giai đoạn bình thường mới, tức là vừa ứng phó với dịch vừa duy trì các hoạt động kinh tế, thậm chí một số hoạt động chưa thể mở cửa, ví dụ như là du lịch quốc tế. Nếu như chúng ta đặt mục tiêu như Chính phủ nêu là bình quân tăng khoảng 6,5% thì liệu có đạt không. Tôi cho đó là tăng trưởng tiềm năng, tức là những yếu tố sản xuất hiện hữu nếu như không bị tái dịch thì tự nó cũng tăng trưởng đạt mức này rồi. Tôi cho rằng mục tiêu đặt ra là không khó nếu không tái dịch một cách nghiêm trọng, tức là trong điều kiện chúng ta kiểm soát dịch được tốt hơn.

Tuy nhiên, từ năm 2022 trở đi sẽ có khó khăn. Những tăng trưởng tiềm năng của năm 2021 mà ta khai thác hết phải tạo ra động lực mới cho giai đoạn 2022 - 2025 thông qua việc xây dựng thể chế tốt về hội nhập, thực hiện có hiệu quả từng bước chương trình số hóa, số hóa nền kinh tế theo chương trình của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025. Nếu năm 2021 chúng ta gỡ được những vướng mắc về hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, nâng cấp các loại thị trường; duy trì được các hoạt động kinh tế bình thường, thậm chí từ giữa năm 2021 có thể từng bước mở cửa được thị trường du lịch quốc tế thì tôi nghĩ rằng có thể có điều kiện như Thủ tướng đã nêu: Năm 2021 tập trung các yếu tố để làm sao có thể tăng tốc từ năm 2022 trở đi. Khi đó, bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt được tốc độ như đã dự báo, cụ thể là tăng trưởng từ 6,5% đến 7%.

Còn về chỉ tiêu GDP đầu người từ 4.700 - 5.000 USD. Giả sử chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 6,5% - 7% và nếu như tính theo sức mua tương đương thì chúng ta có thể đạt con số vượt 10.000 USD. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững không chỉ là tăng trưởng GDP tính theo đầu người mà còn có cả chỉ số về năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội, môi trường… đó là những chỉ tiêu rất quan trọng. Tôi cho rằng mức GDP đầu người 4.700 - 5.000 USD không phải thách thức lớn, mà thách thức lớn đó là năng suất lao động và các chỉ tiêu về xã hội, về môi trường.

PV: Nhìn chung, các chỉ tiêu của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 đều là những thách thức. Dự cảm của ông thế nào? Liệu kinh tế đất nước sẽ đạt được sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn này?

TS. Trần Du Lịch: Muốn vượt qua những thách thức như vậy, tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó các DN có thể khởi nghiệp sáng tạo tốt hơn và đặc biệt một chương trình hỗ trợ để toàn bộ nền kinh tế chuyển đổi số. Có nghĩa là Chính phủ số, xã hội số và DN số. Nếu chúng ta khai thác được thì sẽ phát triển vượt bậc về năng suất lao động. Kế đến là phải kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm những chỉ số chỉ báo về mặt xã hội, an sinh xã hội và cuối cùng là phải giải quyết bài toán môi trường, nhất là tại các đô thị lớn. Những chỉ tiêu này thách thức hơn chỉ tiêu kinh tế. Do đó, chúng ta phải phấn đấu, thay đổi cách quản trị hiệu quả để giải quyết những chỉ báo liên quan đến xã hội, về môi trường…

Về dự cảm cá nhân, căn cứ từ những cơ hội mới đang có như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương, quyết tâm nâng hạng năng lực cạnh tranh trong nhóm ASEAN 4, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo được niềm tin rất tốt cho DN về hiệu quả chính sách đang điều hành, về hiệu quả kinh tế vĩ mô đang ổn định… tôi tin rằng với sự nỗ lực, trong 5 năm tới hoàn toàn có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra. Nỗ lực ở đây tức là phải có một quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng bộ của xã hội trong quá trình thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng là thành quả của cả giai đoạn

Theo TS. Trần Du Lịch, 2020 là năm rất đặc thù vì đại dịch Covid-19 nên khi phân tích những thành công kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, cần tách 4 năm đầu 2016 - 2019 ra riêng bởi những yếu tố tác động khác hoàn toàn những giải pháp chống đỡ trong năm 2020. Cụ thể, ở giai đoạn 2016 - 2019, kinh tế tăng trưởng bình quân 6,8%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và tốc độ tăng trưởng cũng cao so với khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này và tiếp tục duy trì được trong năm 2020 là ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số về tăng trưởng, duy trì giá trị đồng tiền, giữ ổn định về tỷ giá và đặc biệt là kiểm soát được lạm phát theo dự tính luôn luôn trong khoảng 3 - 4%, chỉ số lạm phát cơ bản ở mức khoảng 2,5%. Sự ổn định vĩ mô còn được củng cố thông qua việc lãi suất giảm, hệ thống ngân hàng và cả hệ thống tài chính quốc gia được giữ ổn định, tức hoàn toàn khác với giai đoạn 2011 - 2015. Đây là những điểm nổi bật trong giai đoạn này và những vấn đề xuất hiện trong năm 2020 về đại dịch chỉ mang tính nhất thời, chứ không phải căn bản của quá trình phát triển của kinh tế 5 năm. Khi phân tích kinh tế 2016 - 2020, phải tách ra 2 giai đoạn khác nhau để nhận diện được bản chất vận động của nền kinh tế là như thế nào.

Đỗ Doãn (thực hiện)

Đỗ Doãn (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam