Kho bạc Nhà nước: Dấu ấn mới từ dịch vụ công trực tuyến

11:35 | 12/02/2021 Print
(TBTCVN) - Mùa xuân đến mang theo niềm vui, hy vọng về một năm mới với nhiều thành công mới. Đối với Kho bạc Nhà nước (KBNN), mùa xuân này còn có ý nghĩa rất lớn khi trong năm 2020, toàn hệ thống đã “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến và trở thành Kho bạc điện tử như đúng lộ trình đề ra.

Công chức Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh thực hiện tra soát số liệu thu ngân sách Ảnh: Hạnh Thảo

Công chức Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh thực hiện tra soát số liệu thu ngân sách Ảnh: Hạnh Thảo

Thành công này có sự đóng góp rất lớn của các công chức kho bạc - những con người lặng thầm, đảm nhận khó khăn, lăn xả vào công việc để đưa hình ảnh KBNN ngày càng gần hơn với xã hội.

“Chìa khóa mở cánh cửa” Kho bạc điện tử

Trước đây, cứ vào dịp cuối quý, cuối năm, lượng khách đổ dồn về các đơn vị KBNN rất đông, xếp hàng, ngồi chờ đến lượt giao dịch, rất mệt mỏi. Rồi việc “căng mình” làm thêm giờ, rời nhà từ lúc sáng sớm tinh mơ, trở về lúc nửa đêm và làm bạn với “hàng núi” hồ sơ, chứng từ là chuyện thường ngày như “cơm bữa” của cán bộ kho bạc. Những lúc này chỉ có 2 từ “khâm phục” mới diễn tả hết sự trân quý với các anh chị - những con người bình thường, nhưng lại có sức làm việc phi thường trong những lúc cao điểm, cần kíp.

Sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến

nguyen duc chi

“Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) chính là một kênh giao dịch điện tử để đưa Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng Internet. Để DVCTT ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống DVCTT, bổ sung các thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN, qua đó, hoàn thành chỉ tiêu 100% các DVCTT của KBNN được nâng lên mức 4“. Ông Nguyễn Đức Chi Tổng Giám đốc KBNN.

Với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ” và để trở thành Kho bạc điện tử theo đúng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, KBNN đã cải cách, hiện đại hóa. Bắt đầu từ việc xây dựng Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) góp phần hoàn thiện công tác kế toán ngân sách nhà nước, các quỹ và tài sản nhà nước được giao quản lý…, mở rộng phối hợp thu ngân sách với các hệ thống ngân hàng thương mại giúp người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách mọi lúc, mọi nơi… Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), KBNN đã mở ra một phương thức giao dịch hoàn toàn mới, hiện đại trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm chi phí đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS).

Là kế toán trưởng của Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, anh Lê Quang Hưng đánh giá rất cao DVCTT của Kho bạc. Anh Hưng chia sẻ, lúc được KBNN Phú Thọ vận động tham gia DVCTT, Đại học Hùng Vương đăng ký với tâm lý muốn “khám phá” cái mới là chính. “Nhưng càng làm việc với DVCTT càng thấy thú vị, vì chứng từ gửi đến kho bạc đang được xử lý ở bước nào chúng tôi đều biết hết. Đặc biệt, các chứng từ không bị thất lạc”, anh Hưng cho biết.

Từ TP. Sơn La vào đến xã Chiềng Đen gần 20 cây số, nhưng có tới chục cây số đường đất rất khó đi. Hàng ngày anh Nguyễn Giang Sơn – kế toán của xã phải đến KBNN Sơn La ít nhất 2 lần, có ngày phải sửa và bổ sung chứng từ thì đi lại đến 4 - 5 lần, ngót nghét cả trăm cây số. Vì thế, khi KBNN Sơn La triển khai DVCTT, xã Chiềng Đen đã xung phong tham gia đầu tiên. Anh Sơn cho biết, từ khi tham gia DVCTT, anh không phải ra kho bạc nữa, chỉ trừ những ngày ra đối chiếu số liệu. Đặc biệt, DVCTT đã giúp cho xã không phải in chứng từ giấy nên đã giảm được chi phí văn phòng phẩm. Còn đối với anh, không phải đi lại nhiều nên cũng tiết kiệm được chi phí đi lại và có nhiều thời gian để tìm hiểu các chính sách mới.

Đường đến thành công không trải hoa hồng

Câu nói này cho thấy không có thành công nào là dễ dàng có được. Với DVCTT của KBNN cũng vậy. Để nhận được sự đồng lòng, cùng tham gia của tất cả các đơn vị SDNS là sự quyết tâm rất lớn của các cán bộ kho bạc, không chỉ vận động, tuyên truyền mà còn phải “lăn xả” vào việc, cùng làm với đơn vị.

Vượt qua các khó khăn, vất vả, dịch vụ công trực tuyến đã được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai theo đúng lộ trình đặt ra. Từ dịch vụ công trực tuyến, KBNN đưa đến cho khách hàng, đơn vị giao dịch những thuận lợi nhất và KBNN đã thực hiện đúng mục tiêu đặt ra là “tất cả vì khách hàng”.

Anh Nguyễn Mạnh Đức, Trưởng phòng Kế toán Nhà nước, KBNN Hà Nội cho biết, mặc dù đã được chọn thực hiện thí điểm nhưng khi triển khai diện rộng, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn do số lượng đơn vị SDNS trên địa bàn lớn (trên 9.000 đơn vị), trong đó có hơn 6.000 đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền, vận động, tại từng địa bàn huyện, KBNN Hà Nội đã lập các nhóm chat Zalo với thành viên là công chức kho bạc, các kế toán trưởng đơn vị SDNS. “Đặc biệt, máy điện thoại lúc nào cũng phải online để sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp khó khăn, vướng mắc của đơn vị SDNS mọi lúc, mọi nơi”, anh Đức chia sẻ.

Nhưng sự vất vả và áp lực của cán bộ kho bạc lại chính từ việc tiếp nhận và xử lý chứng từ trên DVCTT. Lúc ban đầu, các đơn vị chưa quen, gửi chứng từ trên DVCTT vẫn còn sai sót và thiếu thông tin. Vì thế, ngoài làm công việc chuyên môn, các cán bộ kho bạc phải làm thêm giờ vào buổi trưa, thông sang chiều và làm thêm giờ vào buổi tối để hướng dẫn đơn vị bổ sung thông tin và sửa các lỗi sai trên DVCTT.

Tại các KBNN thuộc các tỉnh miền núi, việc triển khai DVCTT còn vất vả hơn nhiều. Có mặt tại KBNN huyện Mai Châu - Hòa Bình vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã ghi nhận được những thuận lợi của DVCTT mang lại khi công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm đã không còn khiến các cán bộ bận rộn như trước nữa. Nhưng để có được thành công này cũng là cả một câu chuyện dài...

Anh Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc KBNN Mai Châu chia sẻ, người dân tại huyện chủ yếu là người dân tộc Thái, xã xa nhất cách trung tâm huyện 60 km nên DVCTT rất xa lạ với người dân ở đây. “Tuyên truyền cho các đơn vị SDNS để họ hiểu và tham gia đã khó, cho các đơn vị có thủ trưởng, kế toán trưởng là người dân tộc Thái càng khó hơn vì người hiểu, người không hiểu… Lúc này chỉ ước có phiên bản DVCTT bằng tiếng dân tộc Thái thì tốt biết mấy”, anh Hưng nói.

Việc triển khai DVCTT tại Mai Châu đã có lúc bế tắc như vậy nhưng kế hoạch đặt ra là hết tháng 12/2020, DVCTT phải được triển khai tại tất cả các huyện. Do đó, không thể chần chừ, nấn ná. “Suốt ruột” với công việc chưa thể hoàn thành, đích thân kế toán trưởng KBNN Mai Châu đã “khăn gói”, “cơm nắm muối vừng”, mang máy tính xách tay đi đến từng xã để vừa vận động, vừa hướng dẫn tại chỗ cho các đơn vị SDNS.

Trước sự nhiệt tình của cán bộ kho bạc, cùng với sự hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, dễ làm dễ hiểu, từ sự e ngại ban đầu, các kế toán xã đã dần thích nghi với phương thức giao dịch mới rồi làm nhiều thành quen. “Bây giờ thì họ rất thích DVCTT, vì không phải đi 60 cây số mà vẫn gửi được hồ sơ chứng từ đến kho bạc”, anh Hưng cho biết…

Mùa xuân đã tới và KBNN cũng đang đặt ra những mục tiêu mới. Trong những mục tiêu này, khách hàng vẫn luôn là trọng tâm, là đối tượng mà KBNN hướng tới để ngày càng phục vụ tốt hơn.

Càng làm dịch vụ công trực tuyến, càng thấy thú vị

Là kế toán trưởng của Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, anh Lê Quang Hưng đánh giá rất cao DVCTT của Kho bạc. Anh Hưng chia sẻ, lúc được KBNN Phú Thọ vận động tham gia DVCTT, Đại học Hùng Vương đăng ký với tâm lý muốn “khám phá” cái mới là chính. “Nhưng càng làm việc với DVCTT càng thấy thú vị, vì chứng từ gửi đến kho bạc đang được xử lý ở bước nào chúng tôi đều biết hết. Đặc biệt, các chứng từ không bị thất lạc”, anh Hưng cho biết.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam