Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong khủng hoảng kinh tế thế giới

10:13 | 06/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất định do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, trong “nguy” luôn có “cơ”, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế đã có trong đại dịch, củng cố năng lực cạnh tranh để phát triển vươn lên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khôi phục.

Doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy khả năng chống chịu kéo dài và bền bỉ trong khó khăn.

Doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy khả năng chống chịu kéo dài và bền bỉ trong khó khăn.

Bà Dorati H.Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với PV Thời báo Tài chính Việt Nam.

PV: 2020 là một năm đầy biến động, khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới và DN Việt cũng không ngoại lệ. Bà nhận định thế nào về sức chống chọi của các DN Việt Nam trong năm qua?

Bà Dorati H.Madani

Bà Dorati H.Madani

Bà Dorati H.Madani: Tôi thấy rằng, các DN Việt Nam đã cho thấy khả năng chống chịu bền bỉ và dẻo dai, không chỉ các DN sản xuất kinh doanh trong nước mà còn cả những DN đang tập trung nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu. Cũng như các quốc gia khác, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, sau khi các quy định hạn chế được gỡ bỏ, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng lấy lại được đà phục hồi nhờ sự phục hồi nhanh chóng của khu vực kinh tế trong nước, không những trong lĩnh vực sản xuất mà còn trong các lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ. Khu vực tư nhân trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt cách ly gần như toàn quốc vào tháng 4/2020, nhưng đã bật dậy nhanh chóng sau khi các biện pháp hạn chế từng bước được nới lỏng trong những tháng tiếp theo. Đến cuối năm 2020, quá trình phục hồi trong nước đã được củng cố, khi cả hai chỉ số đều đạt tốc độ tăng trưởng gần bằng các mức quan sát được trước khi có khủng hoảng Covid-19.

Sức chống chịu dẻo dai của DN Việt còn được thể hiện qua sự vững vàng của khu vực kinh tế đối ngoại, nằm ngoài kỳ vọng. Vào đầu giai đoạn khủng hoảng, khu vực kinh tế đối ngoại được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái toàn cầu, đóng cửa biên giới giữa các quốc gia và sự cải tổ lại các chuỗi giá trị toàn cầu vốn có vẻ quá tập trung ở Trung Quốc, bao gồm cả với những sản phẩm thuốc và dược phẩm chính yếu.

PV: Theo bà, những thách thức mà DN Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2021 là gì?

Bà Dorati H.Madani: Năm nay là một năm khó khăn với thế giới, nhưng Việt Nam đã thể hiện được sức chống chịu rất dẻo dai, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng lên và Việt Nam đang ngày càng trở thành đất nước có năng lực cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, đại dịch vẫn là yếu tố bất định chủ yếu. Nếu đại dịch vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả thì tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam, do Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Trong trường hợp đó, xuất khẩu cũng như sức cầu trong nước sẽ không quay lại như mức dự kiến. Còn nếu trong kịch bản tươi sáng hơn, năm sau, các nước cũng sẽ khôi phục lại nền kinh tế và có thể cạnh tranh với Việt Nam khi tiếp cận cùng một thị trường. Điều quan trọng là nền kinh tế Việt Nam, các DN Việt làm thế nào để có thể vượt qua những cuộc cạnh tranh như vậy.

PV: Người Việt Nam thường có câu “trong nguy có cơ”. Vậy, có những cơ hội gì cho DN Việt trong năm 2021? Bà có chia sẻ gì đối với các DN Việt trong việc nắm bắt các cơ hội này để DN vươn tầm cùng thế và lực mới của đất nước?

Bà Dorati H.Madani: Tôi cho rằng, vì nền kinh tế Việt Nam sẽ được phục hồi hoàn toàn, đặc biệt khi nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu - 2 thị trường lớn của Việt Nam - khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã rất chủ động trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác trên thế giới, đó chính là cơ hội để Việt Nam đa dạng thị trường xuất khẩu của mình.

Điều không ngờ là Việt Nam đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2020. Việt Nam đang ghi nhận kỷ lục về thặng dư thương mại hàng hóa và tích lũy được gần 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tài khoản vãng lai đạt thặng dư ngay cả khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do hạn chế nhập cảnh với du khách nước ngoài, và kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài dự kiến giảm khoảng gần 8% trong năm 2020 so với năm trước. Đó là những điều rất ấn tượng. Bà Dorati H.Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Kiểm soát tốt đại dịch là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách khuyến khích DN nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Việt Nam đã tạo dấu ấn trên nền kinh tế thế giới nhờ chiếm tỷ trọng cao hơn trong thương mại toàn cầu và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh mẽ. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong khủng hoảng, tuy nhiên, lợi thế đó sẽ nhanh chóng bị mất đi khi vắc-xin được triển khai rộng rãi và các quốc gia trên thế giới kiểm soát thành công đại dịch. Vì vậy, một mặt, các DN Việt Nam phải tranh thủ thời cơ để tận dụng tốt hơn nữa lợi thế đang có của mình, mặt khác phải nỗ lực nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, để khi đại dịch qua đi, các quốc gia bước vào phục hồi, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ là điểm mạnh của DN Việt, giúp DN tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đó cũng là động lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao đổ về Việt Nam.

Tôi cho rằng, đổi mới là điều rất quan trọng. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhưng thời gian tới, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các dịch vụ điện tử, công nghệ thông tin, nền kinh tế không tiếp xúc sẽ là những xu hướng phổ biến. Đó là những lĩnh vực rất tiềm năng và là cơ hội cho các DN Việt Nam trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Các doanh nghiệp Việt Nam phải tranh thủ thời cơ để tận dụng tốt hơn nữa lợi thế đang có của mình, mặt khác phải nỗ lực nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để khi đại dịch qua đi, các quốc gia bước vào phục hồi, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt, giúp DN tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó cũng là động lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao đổ về Việt Nam...

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam