Dấu ấn một nhiệm kỳ cải cách

16:08 | 04/02/2021 Print
(TBTCVN)- Nhiệm kỳ 2016-2020 hoàn toàn không có các chủ trương, giải pháp như mở rộng kích cầu, tăng tài khóa, tăng đầu tư công, khai thác thêm tài nguyên để tăng trưởng, mà các giải pháp nằm ở cải cách hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.

PV: Nhìn lại năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua, ông đánh giá thế nào về những kết quả Việt Nam đạt được trong việc phát triển kinh tế - xã hội?

TS. Nguyễn Đình Cung: Nhiệm kỳ 2016 - 2020 có thể chia làm hai giai đoạn khác biệt. Từ năm 2016 - 2019, kết quả kinh tế - xã hội đạt được nổi bật hơn so với nhiệm kỳ trước, thể hiện chiều hướng phục hồi mạnh mẽ, quay trở lại đà tăng trưởng tốc độ cao như khoảng 15 năm trước, hầu như các chỉ tiêu đặt ra cho kế hoạch 5 năm ở trong tầm tay.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Tuy nhiên, năm 2020, dịch bệnh xảy ra bất ngờ. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh, lên kịch bản điều hành, ra các quyết định phong toả kịp thời… nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù một số ngành kinh tế bị ngưng trệ, nhưng nhờ dịch bệnh được kiểm soát nên cả nền kinh tế đã phục hồi nhanh hơn.

Cùng với kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ có các chính sách khá kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp dù kết quả chưa cao, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng…, từ đó, kết quả giải ngân đầu tư công năm nay cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng 2,91% khi cả thế giới ước tính tăng trưởng âm 3,7%.

Bên cạnh những kết quả đặc biệt của năm 2020, nhìn lại cả nhiệm kỳ chúng ta cũng thấy những dấu ấn đáng ghi nhận. Khác với một số giai đoạn chúng ta thúc tăng tín dụng, bội chi để đẩy tăng trưởng, ở nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định để thúc đẩy tăng trưởng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô thì giải pháp chủ yếu phải hướng về mục tiêu cải thiện phía cung của nền kinh tế, tức là năng lực và chất lượng sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế.

Nhiệm kỳ này hoàn toàn không có các chủ trương, giải pháp như mở rộng kích cầu, tăng tài khóa, tăng đầu tư công, khai thác thêm tài nguyên để tăng trưởng. Mà các giải pháp nằm trước hết ở cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân và đây là nhiệm vụ được đặt ra rất nặng ở nhiệm kỳ này.

Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng ấn tượng. Nhiệm vụ này kế thừa Nghị quyết 19 trước đây, nhưng được mở rộng phạm vi hơn nhiều và chú trọng việc tháo bỏ các rào cản với quyền tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì thế, đầu tư tư nhân luôn tăng trưởng ở mức từ 17 đến 20% hằng năm, cao nhất trong các khu vực kinh tế và tăng trưởng GDP cũng phần lớn dựa vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đây là điểm rất khác so với tất cả các thời gian trước.

PV: Bên cạnh những kết quả ấn tượng này, hẳn ông cũng còn thấy những vấn đề cần được quan tâm, cải thiện hơn?

TS. Nguyễn Đình Cung: Đúng vậy, đặc biệt là khi năm 2020 dịch bệnh xảy ra đã bộc lộ rõ hơn những tồn tại cần sớm được khắc phục.

Thứ nhất, về đầu tư công, mặc dù tốc độ giải ngân đã nhanh hơn nhưng việc kiểm soát hiệu quả vẫn chưa tiến triển. Cách làm vẫn như truyền thống cũ, dù có phân cấp phân quyền hơn, nhưng chưa có sự cải cách để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công.

Thứ hai là về FDI, vẫn chưa có cơ chế sàng lọc để tăng hiệu quả. Mục tiêu là đón đại bàng nhưng tiêu chí hiệu quả ra sao chưa rõ, chưa thấy sự thay đổi rõ nét để biến Việt Nam tham gia và trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Thứ ba, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn rất chậm, cổ phần hoá không đạt kế hoạch, vai trò của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không như kỳ vọng. Luật Doanh nghiệp thay đổi tiêu chí về DNNN, mở rộng nhóm DNNN cũng là một khó khăn trong cải cách, cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả DNNN. So với những năm trước, năm 2020 việc cải cách môi trường kinh doanh cũng có dấu hiệu không còn nóng như các năm trước.

Thứ tư, việc triển khai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp còn chậm trễ, thiếu tính hệ thống, khiến hiệu quả, hiệu lực của việc hỗ trợ giảm đi. Trong triển khai chống dịch, các quyết định được ban hành và triển khai rất nhanh, nhưng về kinh tế thì các quyết định chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì việc bắt kịp những xu thế phát triển như cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo… và đặc biệt là thúc đẩy đà phục hồi kinh tế trong năm 2021 sẽ là vấn đề rất đáng phải lưu tâm.

PV: Theo ông, đâu là những vấn đề cần phải lưu tâm khi bước sang năm 2021?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trước hết, bước sang năm 2021, chúng ta cần có một kế hoạch phục hồi kinh tế, chuyển từ việc hỗ trợ, trợ cấp sang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn 1 của quá trình phát triển, giai đoạn 2 là năng suất hiệu quả và giai đoạn 3 là đổi mới sáng tạo. Nếu ta chưa cải thiện được năng suất, hiệu quả thì chưa thể sang giai đoạn 3 là đổi mới sáng tạo. Mà để nâng cao hiệu quả thì không có gì bằng cơ chế thị trường. Muốn có đổi mới sáng tạo thì phải trên cơ sở cạnh tranh thị trường chứ không thể áp đặt hành chính. Đầu tư công cũng phải phân bổ trên mức độ hiệu quả của dự án chứ không phải phân bổ theo tiêu chí hành chính như hiện nay.

Đồng thời, năm 2021 cần tiếp tục cải cách DNNN, tập trung ở việc cho DNNN thực sự là doanh nghiệp, thực sự tự chủ. Rủi ro trong kinh doanh luôn có, nên để đánh giá doanh nghiệp phải nhìn hiệu quả tổng thể chứ không nên chỉ nhìn một dự án, phải làm sống động lại kinh tế nhà nước.

Tiếp đó là tập trung sửa Luật Đất đai theo hướng thị trường hơn. Nhiệm kỳ trước chúng ta tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thì nhiệm kỳ này nên tập trung cải cách thị trường các yếu tố sản xuất, phân bổ nguồn lực, đặc biệt là thị trường đất đai. Đảm bảo các quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản để khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phân bổ nguồn lực sẽ quyết định hiệu quả của nền kinh tế

“Một nền kinh tế kém hiệu quả là do phân bổ nguồn lực kém hiệu quả, phi thị trường. Theo một nghiên cứu của CIEM, những ngành đóng góp GDP nhiều nhất không phải là những ngành được đầu tư nhiều nhất. Tốc độ đầu tư của chúng ta vào các ngành gần như không thay đổi theo mức độ phát triển hay hiệu quả, có nghĩa là sự phân bổ đầu tư rất hành chính. Phân bổ nguồn lực cho các địa phương cũng vậy, hầu như không dựa vào hiệu quả.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thường doanh nghiệp yếu kém lại được phân bổ nguồn lực hơn với cơ chế xin, cho. Đây phải là trọng tâm cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả của nền kinh tế. Theo đó, không cần phải phân ngành tái cơ cấu từng ngành ra sao, mà chỉ cần có cơ chế phân bổ hiệu quả và để thị trường dẫn dắt” - TS. Nguyễn Đình Cung.

Hoàng Yến (thực hiện)

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam