Củng cố dư địa tài khóa, chủ động điều hành ngân sách

15:36 | 03/02/2021 Print
(TBTCVN) - Dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó, Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngân sách và nợ công, củng cố dư địa tài khóa, chủ động điều hành ngân sách trước mọi tình huống bất thường.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á năm 2020.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á năm 2020.

Giải bài toán ngân sách trong bối cảnh dịch Covid-19

Năm 2020, trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về tài khóa, trong đó có việc miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí.

Tính chung, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khoảng 130 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, đồng thời phải thực hiện miễn, giảm thuế như trên và tăng chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, nên cân đối NSNN năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, sử dụng nguồn vượt thu NSNN năm 2019, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí... và tăng bội chi NSNN.

Nhờ kinh tế cuối năm 2020 phục hồi khá và tăng cường công tác quản lý thu, chống gian lận, chuyển giá, trốn thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, nên kết quả thu NSNN đạt khá. Thu NSNN năm 2020 đạt 98% dự toán, cao hơn 185 nghìn tỷ đồng so với mức đã báo cáo Quốc hội; qua đó góp phần cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và đầu tư công hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bội chi NSNN mặc dù tăng so với dự toán, song vẫn ở mức dưới 4%GDP, thấp hơn nhiều so với mức tăng tối đa Quốc hội phê duyệt (4,99 - 5,59%).

Đảm bảo ngân sách bền vững, hỗ trợ tăng trưởng

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo ngân sách bền vững, hiệu quả, giúp nền kinh tế chống chọi với dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Thực tế điều hành trong năm 2020 ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy tình hình kinh tế, NSNN có thể thay đổi nhanh chóng do tác động của thiên tai, dịch bệnh. Bối cảnh đó một mặt đòi hỏi phải chủ động, kịp thời điều chỉnh các chính sách điều tiết vĩ mô, mặt khác cũng cho thấy nhu cầu cần phải có dư địa chính sách cần thiết để có thể ứng phó một cách có hiệu quả với các tác động nghiêm trọng ở quy mô rộng lớn như vậy.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã đã làm tốt công tác điều hành trên cả hai mặt trận nêu trên. Trong đó, các kết quả cơ cấu lại NSNN, nợ công, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần không chỉ cải thiện các cân đối lớn về tài chính, ngân sách mà còn thúc đẩy đầu tư công, đầu tư toàn xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Minh chứng là đã tăng thu bình quân đạt trên 25% GDP, giảm bội chi xuống mức bình quân 3,6% GDP, giảm nợ công cuối năm 2020 ở mức 56,8% GDP, góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, cơ cấu lại ngân sách và nợ công đã tạo dư địa chính sách tài khóa để chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn thuế, đồng thời tăng chi phòng chống dịch, thiên tai, bão lũ...; giúp doanh nghiệp, người dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong năm 2020.

Với thực tiễn đó, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho rằng, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong những năm tới là: tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu lâu dài của nền tài chính quốc gia, đảm bảo chủ động trước mọi tình huống bất thường.

Trong đó tập trung hoàn thiện chính sách huy động nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN; đẩy mạnh cơ cấu lại chi, tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ nhà nước phải bảo đảm, thúc đẩy xã hội hóa; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách; tiếp tục cơ cấu lại nợ công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Đối với năm 2021, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, Bộ Tài chính đã trình các cấp thẩm quyền tiếp tục thực hiện giảm thuế, phí, lệ phí đối với những ngành, lĩnh vực chịu tác động sâu bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá các giải pháp đã áp dụng thời gian qua, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.

Điều hành chính sách tài chính – NSNN sẽ trên tinh thần là việc quản lý ngân sách phải nhằm thực hiện hiệu quả các chức năng cơ bản là đảm bảo ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phải quản lý ngân sách bền vững, hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu trong bối cảnh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố bất định.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bước sang năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, điều hành chủ động, thận trọng, ứng phó kịp thời các diễn biến phát sinh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam