Bộ Tài chính hướng dẫn tạo cơ chế nguồn thực hiện tiền lương năm 2021

13:38 | 03/02/2021 Print
Tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về cơ chế tạo nguồn để thực hiện tiền lương, trợ cấp trong năm 2021, từ rất nhiều nguồn khác nhau.

tiền

Nguồn chi lương từ tăng thu, tiết kiệm chi nhiều khoản. Ảnh: TL.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán NSNN được giao, thực hiện phân bổ dự toán đến đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo các đơn vị được cân đối đủ nguồn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, ngân sách trung ương không bổ sung ngoài dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ Tài chính hướng dẫn: khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2021 tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) để thực hiện tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2021 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để thực hiện tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

UBND các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc không bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên nêu trên (không kể các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định) để thực hiện tiền lương trong năm 2021.

Nguồn thực hiện tiền lương năm 2021 của các địa phương bao gồm: 70% tăng thu ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2020 thực hiện so với dự toán, (không kể một số khoản) được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu NSĐP (không kể một số khoản thu) dự toán năm 2020 so với dự toán năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu NSĐP (không kể một số khoản) dự toán năm 2021 so với dự toán năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, thực hiện tiền lương năm 2021 của các địa phương còn từ nguồn: 50% kinh phí NSĐP giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng hết chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền giao; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2021 so dự toán năm 2017 theo quyết định giao dự toán năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam