Hải quan Quảng Nam: Khẩn trương triển khai các giải pháp thu thuế xuất nhập khẩu

09:44 | 31/01/2021 Print
Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam Lê Thành Khang chia sẻ, đơn vị sẽ triển khai quán triệt các nội dung nêu tại Chỉ thị 215/CT-TCHQ phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu thu ngân sách đạt chỉ tiêu dự toán năm 2021.

hải quan quảng nam

Cán bộ Hải quan Quảng Nam giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho DN. Ảnh: CTV HQQN

Thu đúng thu đủ phấn đấu thu đạt 4.000 tỷ đồng dự toán

Trao đổi với PV TBTCO về nhiệm vụ năm 2021, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam Lê Thành Khang cho hay, đơn vị sẽ bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại Chỉ thị 215/CT-TCHQ, thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, phấn đấu thu đúng, thu đủ thuế xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu được giao là 4.000 tỷ đồng.

Năm 2021, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa tạo thuận lợi cho DN đã phát huy tác dụng trong năm 2020.

Trên thực tế, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Quảng Nam đã nỗ lực hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, nổi bật là thu ngân sách.

Năm 2020, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã giải quyết thủ tục hải quan cho 514 DN với 87.290 tờ khai, tăng 7,42% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 2.861 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định 2151/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan đến ngày 31/12/2020, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 2.677 hồ sơ/ 68 thủ tục cấp cục và chi cục trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tăng 2,8% so với cùng năm 2019.

Đặc biệt là sau khi thực hiện thủ tục hoàn thuế theo Chương trình ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP và hoàn do bổ sung C/O, nộp thừa,... với số thuế hơn 809 tỷ đồng, năm 2020, Hải quan Quảng Nam thu nộp ngân sách đạt 5.347,5 tỷ đồng, tăng 28,45%, đạt 101,86% so với chỉ tiêu giao của Bộ Tài chính và chỉ tiêu phấn đấu của Tổng cục Hải quan (5.250 tỷ đồng).

Tập trung thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Ông Lê Thành Khang cho biết, năm 2021, đơn vị cố gắng làm tốt công tác chống thất thu, tập trung vào việc chống thất thu qua mã giá hàng hóa đối với mặt hàng linh kiện, nguyên phụ liệu sản xuất hàng hóa, trong đó có linh kiện ô tô. Đặc biệt quan tâm đến thực hiện các thủ tục hoàn thuế theo chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đúng quy định của Nhà nước.

Thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ nêu tại Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP trong đó đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Điều 7b (nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%) trong thời hạn 5 năm 2020 - 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị bám sát thực hiện có hiệu quả Nghị định 57/2020/NĐ-CP (Nghị định 57), có hiệu lực từ ngày 10/7/2020, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong việc phát triển công nghệ hỗ trợ ô tô.

Theo đó, trong tiếp nhận hồ sơ của DN, đơn vị thẩm định và thực hiện các bước kiểm tra hoàn thuế, nhằm đảm bảo nhanh chóng cho DN nhưng cũng phải đảm bảo chống gian lận, trục lợi.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Cục Hải quan Quảng Nam Nguyễn Văn Dương cho hay, căn cứ vào quy định của Nghị định 57, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Quảng Nam sẽ tăng cường nhân lực có chuyên môn, lên kế hoạch xây dựng quy trình hoàn thuế cho DN trong năm 2021.

“Hiện nay, đơn vị đã thiết lập kênh thông tin qua Zalo để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc cho DN, trong đó có Tập đoàn ô tô Trường Hải. Cơ quan hải quan và DN thường xuyên có sự trao đổi liên quan đến chính sách nhập khẩu liên quan đến mặt hàng ô tô, đặc biệt là những quy định liên quan đến Điều 7b Nghị định 57. Cơ quan hải quan sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của DN, vướng mắc trong thầm quyền sẽ được nhanh chóng giải quyết nếu vượt thẩm quyền đơn vị kịp thời báo cáo lên Tổng cục Hải quan và các cơ quan chuyên ngành để có biện pháp giải quyết, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN…” - ông Nguyễn Văn Dương cho biết.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam