Kết nối một cửa quốc gia lĩnh vực nông nghiệp: Cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi thương mại

15:42 | 29/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thực hiện kết nối chia sẻ thông tin, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

kiem

Công chức thực hiện kiểm dịch thực vật.

Kết nối 23 thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ năm 2020.

Theo báo cáo, đến nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 32/33 thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý theo cơ chế một cửa quốc gia, đạt 97% kế hoạch. Trong đó, đã kết nối chính thức 23 thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia và 9 thủ tục mới thực hiện năm 2020 đang hoàn thiện, chuẩn bị kết nối chính thức đầu năm 2021, 1 thủ tục đang xây dựng (chuyển từ năm 2020 sang) triển khai tại 7 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các chi cục vùng, trung tâm vùng và các trạm cửa khẩu.

Tính đến ngày 31/12/2020, các đơn vị đã tiếp nhận tổng số 196.821 hồ sơ, đã xử lý cấp phép/giấy chứng nhận điện tử 185.104 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý, giải quyết 11.717 hồ sơ.

Đặc biệt trong năm 2020, các đơn vị của Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổng cục Hải quan (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn triển khai các thủ tục đối với cán bộ công chức của các cục và các chi cục vùng, trung tâm vùng, trạm cửa khẩu của các cục và hàng trăm doanh nghiệp (DN) liên quan. Đồng thời, Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp hỗ trợ các DN trong triển khai các thủ tục theo cơ chế một cửa quốc gia kịp thời, hiệu quả.

Là DN thường xuyên thực hiện khai báo thủ tục và kiểm dịch tại Trạm Kiểm dịch động vật, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn), ông Lý Kì Lân - đại diện Công ty TNHH Hà Trang cho biết, từ trước đến nay mặt hàng thủy hải sản tươi sống của công ty nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều được khai báo hồ sơ thủ công qua giấy và DN phải lên tận nơi làm thủ tục trong 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, từ khi thực hiện thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia, DN đã rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí. DN chỉ mất khoảng 3 - 5 phút để khai báo trên hệ thống và để kiểm dịch thú y (nếu có mặt hàng cần lấy mẫu kiểm dịch), đến thông quan hải quan chỉ mất trong một ngày. Các cán bộ tại chi cục đã nhiệt tình tập huấn cho DN thực hiện thành thạo việc khai báo thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. DN có thể ngồi ở bất cứ đâu để khai báo.

Cần sớm có quy định về thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin

Cũng với việc đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, năm 2020, Bộ NN&PTNT phối hợp với Cơ quan Thường trực Ủy ban Chỉ đạo 1899 về kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, theo kế hoạch triển khai trao đổi chứng từ liên quan đến kiểm dịch đối với chứng nhận kiểm dịch thực vật (ePhyto), Cục Bảo vệ thực vật đang cùng cơ quan chuyên môn Tổng cục Hải quan triển khai kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang phối hợp chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Theo kế hoạch của ASEAN, 2 chứng thư này sẽ được kết nối trao đổi năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Bộ các ngành cơ bản (New Zealand) đã ký “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để tiến hành kết nối với hệ thống chứng nhận điện tử của New Zealand trong thời gian tới...

Để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trong năm 2021, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu và hiệu quả. Đồng thời, bộ này phối hợp với đơn vị chủ trì là Bộ Tài chính xây dựng nghị định về kết nối chia sẻ thông tin thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... Bộ NN&PTNT xây dựng hệ thống đánh giá, đo lường chỉ số hoạt động của các thủ tục hành chính thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia...

Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo cơ chế một cửa quốc gia làm cơ sở cho các bộ, ngành thực hiện. Cùng với đó, hỗ trợ các đơn vị thuộc bộ trong đào tạo, tập huấn hướng dẫn các DN liên quan triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Hơn 21,7 tỷ đồng triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN


Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí kinh phí hơn 21,7 tỷ đồng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Bộ này đã kịp thời phân bổ kinh phí đầu tư thiết bị nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình kết nối một cửa quốc gia.

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam