Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ giúp nâng chất lượng hệ thống quốc lộ

14:09 | 29/01/2021 Print
(TBTCVN) - Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đang dần đáp ứng được yêu cầu thực tế góp phần nâng chất lượng, gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tất cả các phương tiện lưu thông an toàn, giảm tai nạn giao thông…

gt

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại hóa công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ.

Đấu thầu qua mạng tiết kiệm ngân sách nhà nước

Theo ông Lê Hồng Điệp – Vụ trưởng Vụ Quản lý, Bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), giai đoạn 2018 - 2020, việc thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ đã đạt được những hiệu quả tích cực.

Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) đường bộ đã dần đáp ứng được yêu cầu, chất lượng các tuyến đường quốc lộ, đường địa phương tăng lên đáng kể so với những năm trước đây. Ngày nay, những tuyến đường quốc lộ quan trọng, lưu lượng giao thông lớn đều đã đảm bảo tất cả các phương tiện lưu thông an toàn ở tốc độ 60km/h, xe con (trừ các đoạn trong đô thị) đạt 80km/h, riêng đối với đường cao tốc đạt từ 100 - 120km/h.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, những kết quả như trên có được là nhờ sự quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Nguồn lực dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng được tăng lên do có nguồn thu từ Quỹ bảo trì đường bộ, sự quan tâm của nhà nước, sự đóng góp trực tiếp của nhân dân (làm đường giao thông nông thôn và các chương trình khác). Ngoài ra, còn đến từ chủ trương xã hội hóa nhiều tuyến đường (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), qua đó Nhà nước thay vì phải sử dụng ngân sách để quản lý, bảo trì toàn bộ hệ thống đường bộ thì một phần đã được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dự án quản lý (khoảng 2.000km quốc lộ, trên 600km đường cao tốc).

Đã tiến hành xã hội hóa lĩnh vực này thông qua các hình thức chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp như phân khu quản lý đường bộ, công ty quản lý đường bộ nhà nước…. sang các công ty cổ phần của tư nhân. Tiếp đó là thực hiện đấu thầu công tác này, gần đây là đấu thầu rộng rãi qua mạng (riêng Tổng cục ĐBVN từ năm 2018 đã thực hiện đấu thầu qua mạng 100% tất cả các gói thầu sửa chữa) để mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực đều có cơ hội tham gia công tác bảo trì đường bộ. Qua đó đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần có năng lực tham gia công tác quản lý, bảo trì đường bộ, góp phần đổi mới công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, góp phần tiết kiệm chi tiêu ngân sách Nhà nước, thông qua tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu (toàn hệ thống tiết kiệm 3% so với dự toán giao, ứng với 91,9 tỷ đồng mỗi năm).

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại

Ông Lê Hồng Điệp cho biết thêm, giai đoạn tới để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác trên, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa, cơ giới hóa trong công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ như sử dụng các thiết bị cào bóc tái chế, thiết bị vá nóng tại chỗ; ứng dụng các sản phẩm bê tông nhựa ấm, bê tông nhựa nguội, vá láng trong môi trường ẩm ướt; sử dụng xe quét đường, máy cắt cỏ… trong công tác BDTX. Đồng thời, các thiết bị quan trắc, theo dõi công trình cũng đã được đầu tư, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cầu, đường hiện đại (hệ thống PMS, VBMS) để dễ dàng quản lý và truy cập; sử dụng các thiết bị hiện đại để khảo sát, đánh giá mặt đường phục vụ lập kế hoạch bảo trì hàng năm (theo chu trình PDCA: lập kế hoạch - thực hiện - kiểm tra - điều chỉnh) như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phát triển khác.

Đồng thời, cũng kiến nghị bố trí kinh phí bảo trì thường xuyên cho các tuyến đường với các kết cấu khác nhau ở những vùng miền khác nhau. Riêng 3 đường cao tốc của Nhà nước đầu tư bố trí đủ để thực hiện các công việc cần thiết do yêu cầu phải duy trì chất lượng cao trong mọi điều kiện. Đối với các công trình cầu cấp đặc biệt, cấp I như cầu Mỹ Thuận, Cầu Cần Thơ, cầu Kiền, Cầu Bãi Cháy bố trí đủ vốn thực hiện hết các công việc quản lý, BDTX tương tự như năm 2020; tổng kinh phí đề nghị thực hiện quản lý, BDTX toàn bộ 22.403,6km quốc lộ (đã trừ các đoạn bàn giao cho nhà nước đầu tư BOT), 3 tuyến đường cao tốc, toàn bộ cầu cống trên tuyến đường đó là khoảng 2057,38 tỷ đồng, tăng 412 tỷ đồng so với năm 2020.

Được biết, năm 2021, vốn bảo trì đường bộ được thông báo là 9.986 tỷ đồng, Tổng cục chủ động cân đối, hoàn thành xây dựng kế hoạch bảo trì và dự toán chi năm 2021 phù hợp với nguồn vốn được cấp....

Hoàn thiện chính sách, cơ chế hướng dẫn,

đôn đốc công tác duy tu bảo dưỡng


Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng toàn bộ hệ thống đường quốc lộ (gồm cả đường của doanh nghiệp đầu tư và khai thác), qua đó giúp hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý công việc này. Ví dụ như hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường cao tốc; ban hành các văn bản hướng dẫn công tác bảo trì đường, cầu, đường giao thông nông thôn; ban hành quy định về tiêu chí đánh giá chất lượng bảo dưỡng đường bộ; ban hành các quy định về tuần đường, tuần kiểm trên đường bộ…

Trí Dũng – Văn Nam

Trí Dũng – Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam