Quyết liệt thu hồi nợ thuế, không để nợ mới phát sinh

09:59 | 28/01/2021 Print
Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, thời gian qua, các cơ quan thu của ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quyết liệt thu hồi nợ thuế, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh, góp phần thu đúng, thu đủ về ngân sách.

hải quan

Cơ quan thuế, hải quan đã phân loại nợ thuế, phấn đấu giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Ảnh: T.T.

Phân loại để xử lý nợ phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2020, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục thuế, cục hải quan hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu thu hồi nợ đã giao từ đầu năm. Tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, đặc biệt tập trung phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nợ thuế. Từ đó, để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đảm bảo công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Đồng thời, các cơ quan thuế, hải quan đã đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản thi hành để thu đúng, thu đủ và kịp thời vào NSNN; gửi thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền chậm nộp đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế. Ngoài ra, đã thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế của cơ quan quản lý thu như trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế để việc thu hồi nợ thuế được kịp thời, hiệu quả.

Trong tháng 7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14.

Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ nêu trên, đến năm 2020, tổng số tiền thuế nợ 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 28.476 tỷ đồng, đạt 84,2% chỉ tiêu thu nợ giao, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 19.388 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 9.088 tỷ đồng). Cơ quan Hải quan đã thu hồi và xử lý 592,6 tỷ đồng nợ thuế.

Tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối năm 2020 do cơ quan thuế quản lý là 89.796 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cơ quan có thẩm quyền xử lý xóa nợ) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 là 78.878 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2020 ở mức 6,2%.

Trong đó: Nợ tiền thuế có khả năng thu là 34.187 tỷ đồng, giảm 17% so với thời điểm ngày 30/11/2020; tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 28.127 tỷ đồng, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng nợ chuyên thu quá hạn do cơ quan hải quan quản lý là 5.662,98 tỷ đồng, tăng 81 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019 (tương đương tăng 1,45%).

Theo Bộ Tài chính, so với cùng kỳ năm 2019, số nợ tiền thuế có khả năng thu năm 2020 tăng là do một bộ phận người nộp thuế gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lũ lụt xảy ra tại các tỉnh Miền Trung dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào NSNN. Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo Nghị định của Chính phủ, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp đôn đốc thu nợ nhưng người nộp thuế khó khăn về dòng tiền chưa nộp tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.

Kiên quyết cưỡng chế, thu đòi thuế nợ đối với doanh nghiệp chây ỳ

Để thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu cơ quan thuế xử lý, giải quyết ngay các trường hợp người nộp thuế được gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, đã tổ chức rà soát, phân loại đối tượng nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, để đưa ra từng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế. Đối với những người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ, sắp xếp dòng tiền, phân kỳ để nộp dần tiền nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thủ trưởng cơ quan thuế xây dựng kế hoạch trực tiếp làm việc với từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình cá nhân, gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ thu nợ, đưa ra giải pháp, hỗ trợ, xử lý thu hồi nợ cụ thể đối với từng đối tượng. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế tỉnh, thành phố để xử lý.

Còn đối với những người nộp thuế không bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cục thuế thực hiện kiên quyết, nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu nợ.

Cụ thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an, cho bộ phận thanh tra - kiểm tra để thực hiện điều tra - thanh tra - kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, bỏ trốn, tấu tán tài sản, cố tình chây ỳ, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2020, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 cho cơ quan thuế, hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp.

Đồng thời, rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý nợ thuế để phù hợp với tình hình thực tiễn; rà soát các khoản nợ thuế phát sinh do ấn định thuế theo các quyết định kiểm tra sau thông quan, quyết định thanh tra.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng NSNN; phối hợp chặt chẽ với kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam