5 nhóm giải pháp triển khai đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành

17:12 | 27/01/2021 Print
(TBTCO)- Tổng cục Hải quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai Đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt, trong đó tập trung vào giải quyết yêu cầu 5 nhóm giải pháp nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

Nhập khẩu

Cán bộ hải quan và cán bộ kiểm dịch an toàn thực phẩm Lào Cai phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng tôm nhập khẩu. Ảnh: Bùi Vân

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định kế hoạch triển khai Đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN) trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt, căn cứ trên cơ sở 5 nhóm giải pháp được nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

Theo Tổng cục Hải quan, 5 nhóm giải pháp nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg đều có sự tham gia của cơ quan hải quan nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) và người dân, tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm tra chất lượng (KTCL) và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).

Cụ thể, 5 nhóm giải pháp được cơ quan hải quan tập trung nghiên cứu đưa vào kế hoạch triển khai đề án:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Đề án đưa ra giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục KTCL và ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin.

Nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu như tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường trên cơ sở các nguyên tắc kiểm tra được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu; công khai, minh bạch các thông tin về chất lượng hàng hóa với những thông tin cơ bản gồm: danh mục các mặt hàng phải KTCL, kiểm tra ATTP; kết quả KTCL, kiểm tra ATTP; hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra; danh sách hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường, từ đó xác định hàng hóa không đủ điều kiện để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường mà phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt.

Cùng với đó là việc tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Thứ ba, về nguồn lực thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đề án KTCN đưa ra việc nâng cao năng lực KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan. Theo đó, cơ cấu, tổ chức lại nhân lực của cơ quan hải quan để thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đào tạo, hướng dẫn cho công chức hải quan để đảm bảo chuyên môn thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Đồng thời, đề án cũng đưa ra giải pháp yêu cầu chuẩn hóa quy trình, thủ tục, trang bị bổ sung máy móc, thiết bị của cơ quan hải quan để đáp ứng yêu cầu KTCL hàng hóa, kiểm tra ATTP hàng hóa nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định như rà soát, chuẩn hóa năng lực, quy trình nghiệp vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định;

Tăng cường năng lực của các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm định, phân tích, giám định,... của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động, chỉ định để tham gia thực hiện chứng nhận/giám định hàng hóa.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cụ thể là hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP bằng việc xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải KTCL, kiểm tra ATTP.

Thứ năm, tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.

Theo đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường cảnh báo đối với hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, ATTP, kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việc KTCL, kiểm tra ATTP trước thông quan được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam