Chính sách tài khóa đồng hành cùng doanh nghiệp

08:54 | 27/01/2021 Print
Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí với nhiều mức giảm cao, hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp.

doanh nghiệp

Rất nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng được giãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ảnh: TL.

Miễn, giảm, gia hạn thuế phí, đồng hành cùng doanh nghiệp

Điểm lại một số chính sách tài khóa đã và đang được Chính phủ triển khai tích cực thời gian qua nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế mới thấy hàng loạt chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí được áp dụng.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch, trong đó nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chịu tác động lớn.

Lường trước những khó khăn này, ngay trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ để thực hiện “mục tiêu kép” là chặn “giặc” Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xác định các chính sách liên quan đến thuế, phí là vô cùng cấp bách, bởi nó ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên ngay sau Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời ban hành theo thẩm quyền hàng loạt văn bản gia hạn, miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Theo đó, nhiều chính sách được cộng đồng người dân, doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao như giảm nghĩa vụ thuế cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp: Chính sách gia hạn tiền thuế (Giá trị gia tăng; Thu nhập doanh nghiệp; Thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/4/2020); giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không vượt quá 200 tỷ đồng (Nghị quyết của Quốc hội số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020).

Bên cạnh đó là một loạt các chính sách, như: Chính sách tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao. Trong đó, đã giảm nhiều loại phí, lệ phí với mức giảm rất cao, như: giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 30% mức phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn...

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN; thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hơn 12 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp người dân

Cùng với các chính sách liên quan đến thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, NSNN đã hỗ trợ trực tiếp cho các trường hợp người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Cụ thể: Hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng cho các hộ nghèo và cận nghèo; Tăng 500 nghìn đồng/người/tháng so với mức trợ cấp hàng tháng cho những người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng cho người lao động phải nghỉ không lương do dịch Covid-19; hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động thất nghiệp không được chi trả bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tự doanh; hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng cho các hộ kinh doanh có doanh thu chịu thuế dưới 100 triệu đồng/tháng phải tạm ngừng kinh doanh trong kỳ giãn cách xã hội.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương./.

Đề xuất gia hạn thời gian miễn, giảm các loại phí

Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm gia hạn thêm 6 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020.

Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký, để kịp thời tiếp tục hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp và rất khó dự đoán, mặc dù tiếp tục làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng đây là chính sách nhân văn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Anh Huy

Anh Huy

© Thời báo Tài chính Việt Nam