Gia Lai: Đón nhận nhiều dự án đầu tư lớn

16:40 | 26/01/2021 Print
Ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2021, bên cạnh việc chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng… tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

anh moi

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành trao văn bản ghi nhớ cho Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. Ảnh: TL

Nhiều kết quả ấn tượng

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cộng với môi trường đầu tư thông thoáng đã giúp Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước. Minh chứng cho điều này là trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh này đã thu hút 515 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 832,9 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác thu hút đầu tư phát triển đô thị của thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Trên cơ sở sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội để nâng cấp hệ thống giao thông, điện, trường học, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị gắn với hạ tầng kỹ thuật đô thị, cùng với việc tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, Pleiku đã thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế triển khai đầu tư các dự án lớn. Các dự án sau khi hoàn thành góp phần xây dựng đô thị loại I Pleiku trở thành thành phố văn minh, hiện đại.

Theo ông Hồ Phước Thành, với sự tích cực mời gọi cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, không chỉ TP. Pleiku, thời gian qua, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư vào nhiều dự án xây dựng hạ tầng.

Nhiều dự án lớn tại Gia Lai đã được các nhà đầu tư quan tâm, cũng như đề nghị triển khai gồm: Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại; khu phức hợp sân golf, resort và khách sạn; tháp đôi 30 tầng, dự án FLC Centerpoint của Tập đoàn FLC...

Bà Nguyễn Thị Yến - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý, Đầu tư và Phát triển bất động sản Arichland-cho hay: “Gia Lai là địa phương có tiềm năng ở các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo... Nhưng chúng tôi đánh giá cao đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng, bởi xây dựng hạ tầng là phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho các lĩnh vực khác phát triển. Trước mắt, chúng tôi quan tâm tới dự án xây dựng trung tâm thương mại tại huyện Mang Yang. Tôi cho rằng đây là dự án trọng điểm, có thể thay đổi bộ mặt của huyện trong tương lai”.

Theo ông Hồ Phước Thành, những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư luôn được chính quyền địa phương và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ kịp thời; môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng được nâng cao, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành và đứng đầu khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí; sửa đổi các điều kiện kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn đến với địa phương.

“Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tỉnh đề ra những giải pháp mang tính chiến lược và xem đây là tiền đề, cơ hội bứt phá trong thời gian tới”- ông Hồ Phước Thành bày tỏ.

Thu hút nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, thời gian qua tỉnh Gia Lai liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh 3 hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh còn phối hợp tổ chức thành công các hội thảo, tọa đàm kết nối đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức 6 đoàn công tác đi quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật Bản nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, số lượng đối tác, doanh nghiệp nước ngoài đến Gia Lai tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng tăng.

Cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư trong năm 2021 gồm 32 dự án lớn, trong đó lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và năng lượng 16 dự án, lĩnh vực nông, lâm nghiệp 10 dự án, lĩnh vực văn hóa du lịch 6 dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai đã công bố danh mục dự án sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án lớn với tổng chi phí dự kiến hơn 3.500 tỷ đồng. Đó là Dự án khu dân cư hai bên đường Lý Tự Trọng TP.Pleiku nối dài; dự án khu đô thị sinh thái khu vực miệng núi lửa âm làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku và dự án suối Hội Phú giai đoạn 3 (phường Phù Đổng và phường Hoa Lư, TP. Pleiku).

Theo thống kê danh mục đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư một số dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực khác gồm: Dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô gần 328 ha tại xã huyện Mang Yang với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa với diện tích 459 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.490 tỷ đồng; dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh) với diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô Radian, sản phẩm cao su kỹ thuật và cao su băng tải tại xã Glar (huyện Đak Đoa) với diện tích 75 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.700 tỷ đồng...

Cũng theo ông Thành, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, kêu gọi thu hút đầu tư trong năm 2021 tỉnh Gia Lai có nhiều chính sách mới mang tính đột phá. Kèm theo đó là hàng loạt chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư đi đôi với cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với vùng đất đầy tiềm năng này.

Chương trình mục tiêu triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Gia Lai cũng đang quyết tâm phấn đấu nâng tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt trên 70 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam