Xác định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương theo quy định

15:09 | 25/01/2021 Print
Trả lời kiến nghị cử tri TP. Hồ Chí Minh về tăng tỷ lệ điều tiết để đầu tư cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính cho biết, năm ngân sách 2022- năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền xác định tỷ lệ % cho thành phố theo quy định.

hạ tầng

Địa phương kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết, để dành đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

Theo kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa không chỉ đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn đến các vùng kinh tế khác trong cả nước.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, TP. Hồ Chí Minh là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và có số thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển về Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh thành. Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cần thiết cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP. Hồ Chí Minh cần nhiều nguồn vốn hơn nữa.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách từ 33% (năm 2000) và sau 20 năm giảm còn 18% vào năm 2020. Tỷ lệ điều tiết giảm mạnh dẫn đến việc cân đối ngân sách của thành phố ngày càng trở nên khó khăn khi bước vào thời kỳ ổn định ngân sách mới giai đoạn 2021- 2025 với nhiều thách thức về hạ tầng kỹ thuật, tệ nạn xã hội, sự không bền vững về lao động, dân số, tài chính địa phương và việc giữ vững vai trò đầu tàu của thành phố.

Qua tổng kết sơ bộ kết quả hơn 10 năm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh tác động trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế vùng nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc tăng tỷ lệ điều tiết cho TP. Hồ Chí Minh tác động tích cực đến sự phát triển của vùng, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Do đó, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố nhằm tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời, cũng là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu NSNN phát sinh trên địa bàn vùng, nơi có nhiều tỉnh thành điều tiết số thu lớn về ngân sách trung ương.

Theo Bộ Tài chính, Luật NSNN quy định: đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (NSĐP) đối với từng địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh được căn cứ vào dự toán thu NSNN và dự toán chi NSĐP tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định; tỷ lệ phân chia này sẽ được ổn định trong 5 năm.

Đồng thời, Luật NSNN (khoản 8 Điều 9) quy định: "Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển NSĐP, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi NSĐP hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương".

Tỷ lệ điều tiết của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016 là 23%; giai đoạn 2017-2020 là 18%, giảm 5%. Vì vậy, để đảm bảo tỷ lệ điều tiết không bị giảm lớn, năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020), trung ương đã bố trí hỗ trợ thành phố 1.823,38 tỷ đồng.

Trong đó: phân bổ để đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển trong nước của ngân sách địa phương không thấp hơn dự toán năm 2016 là 1.447,48 tỷ đồng; phân bổ vào dự toán chi thường xuyên để có thêm nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội theo quy định giao cho địa phương tự đảm bảo nguồn do sức ép dân số vãng lai lớn... là 375,9 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14, trong đó tại khoản 5 Điều 1 có quy định: "Kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021. Lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới".

Như vậy, ghi nhận kiến nghị của thành phố, năm ngân sách 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới; trên cơ sở dự toán thu ngân sách và dự toán chi ngân sách thành phố tính theo nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ (chi đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chi thường xuyên do Bộ Tài chính chủ trì để trình cấp có thẩm quyền), Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền xác định tỷ lệ % cho thành phố theo quy định của Luật NSNN./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam