Sử dụng hiệu quả tài sản công - nguồn lực lớn hỗ trợ tăng trưởng

10:40 | 25/01/2021 Print
(TBTCVN) -Tài sản công là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Chúng ta đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý, để quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý, để quản lý hiệu quả

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý, để quản lý hiệu quả tài sản công.

Đã tập hợp được trên 98% lượng tài sản nhà nước

Thời gian qua, công tác quản lý tài sản công khu vực hành chính, sự nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản là đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước… đã được quản lý chặt chẽ. Trong đó, đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đồng thời, đã có sự phân định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đặc thù hoạt động của từng khối cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành và thực hiện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo, điều chuyển, thu hồi... tài sản nhà nước. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về phân cấp cho cơ quan tài chính các cấp và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tạo sự chủ động cho các đơn vị có điều kiện khai thác nguồn lực tài sản được giao và sử dụng tài sản có hiệu quả, tiết kiệm.

Thời gian qua cũng đã thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được hình thành, cập nhật kịp thời, tương đối chính xác về số lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản công. Hiện nay đã tập hợp được trên 98% số lượng tài sản nhà nước một cách thường xuyên. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã cho phép các cơ quan chức năng nắm chắc về tài sản công ở tầm quốc gia cũng như từng cấp, từng ngành để thiết kế chính sách và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cho phù hợp; các đơn vị sử dụng có thêm căn cứ để khai thác có hiệu quả, bảo vệ tài sản.

Hiện đại hóa để quản lý công khai, minh bạch

Theo một số chuyên gia, ước tính, hiện số tài sản của nước ta bằng khoảng 1 - 1,2 lần GDP, vẫn còn thấp hơn con số thông thường của mỗi quốc gia là bằng từ 4 - 5 lần GDP, có nghĩa còn tài sản công chưa được sử dụng, khai thác hiệu quả. Hiện đã có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn luật, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành đã đảm bảo tất cả các loại tài sản công được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật. Việc phân loại rõ ràng tài sản công theo các nhóm quy định trong luật còn đảm bảo cho sử dụng, quản lý tài sản theo các nguyên tắc định sẵn, từ đó, sử dụng tài sản một cách hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phục vụ cho việc quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác quản lý tài sản công, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới chuyên môn hóa, hiện đại hóa công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hiệu quả tài sản công. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để từng bước nắm chắc, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn lực của đất nước. Đi cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Được biết, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực này.

Tới đây, Cục Quản lý công sản cũng sẽ tiếp tục tham gia ý kiến theo thẩm quyền với các bộ, cơ quan trung ương trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng, trong đó có nhà và xe ô tô chuyên dùng. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp thực hiện theo thẩm quyền việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công như nhà, đất, xe ô tô…

Tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ lên đến hơn 3,4 triệu tỷ đồng

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã lưu trữ được thông tin về tài sản của 106.820 cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước thuộc phạm vi quản lý của 63 bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, tài sản nhà hiện là hơn 461.134 tỷ đồng; xe ô tô là hơn 25.488 tỷ đồng; tài sản khác là hơn 127.452 tỷ đồng; tài sản công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là 23.209 tỷ đồng; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 3.495.047 tỷ đồng.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam