Kon Tum: Giám sát chặt thị trường, tránh tăng giá bất hợp lý dịp Tết

12:29 | 20/01/2021 Print
Dịp Tết Nguyên đán 2021 đang đến gần, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị lượng hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, không chủ quan, Sở Tài chính chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, chống buôn lậu, tránh hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

hội nghị

Đoàn công tác của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính làm việc tại Sở Tài chính tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.T

>> Kiểm tra việc điều hành, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán tại địa phương

>> Đà Nẵng: Chủ động nguồn hàng, hạn chế tăng giá dịp Tết Nguyên đán

>> Gia Lai sớm vào cuộc để bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

Tiếp tục chương trình công tác, sáng 20/1, đoàn công tác của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) do ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, nhằm kiểm tra và nắm tình hình thực hiện quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Dự trữ hơn 65 tỷ đồng hàng hóa dịp tết

Còn hơn 20 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng hàng hóa đã chuẩn bị đầy đủ, phong phú, nhưng có mặt tại Kon Tum những ngày này, cảm nhận của chúng tôi đó là thị trường hàng hóa chưa thực sự sôi động. Do đó, giá cả thị trường thời điểm hiện nay cơ bản ổn định. Theo dự báo, thị trường sẽ thực sự sôi động khi qua Rằm tháng Chạp âm lịch.

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Huỳnh Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương đã sớm có chương trình thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo đó, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án dự trữ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân. Trên cơ sở đó, liên ngành Sở Công thương - Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Tổng kinh phí thực hiện dự trữ là 65,66 tỷ đồng, là nguồn vốn do doanh nghiệp chủ động. Có 3 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, đó là: siêu thị Vin Mart; siêu thị Co.op Mart; Công ty thương mại tổng hợp Kon Tum.

Tại địa phương cũng có 7 điểm bán hàng cố định trên địa bàn các huyện, thành phố; 2 điểm bán hàng bằng xe lưu động tại huyện Kon Plông và Đăk Glei phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng cho biết, các mặt hàng tham gia bán hàng bình ổn chủ yếu là: gạo, nếp, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, đường, muối, mì tôm, thịt lợn... Thời gian bán hàng bình ổn khá dài, trong vòng hơn 3 tháng, từ tháng 12/2020 đến 12/3/2021. Các doanh nghiệp cam kết ổn định trong suốt thời gian tham gia chương trình.

Dự báo giá cả có thể biến động tăng từ 15 - 20%

Theo dự báo, tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh không có sự biến động mạnh. Đến thời điểm những ngày giáp tết (ngày 28, 29, 30 tháng Chạp âm lịch), giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt heo, thịt bò, gia cầm, cá, hoa quả... dự báo có thể biến động tăng từ 15 - 20%; các mặt hàng khác có biến động nhưng không đáng kể.

siêu thị
Hàng hóa chuẩn bị phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu người dân Kon Tum dịp Tết. Ảnh: Minh Anh

Riêng giá cước vận chuyển hành khách bằng ô tô, do nhu cầu của hành khách trong thời gian này chỉ tập trung vào một chiều đi hoặc về, nên doanh thu cũng chỉ thu được một chiều. Vì vậy, để bù đắp một phần chi phí, các đơn vị vận tải đã tăng mức phụ thu giá vé vận chuyển hành khách bằng ô tô từ 30% - 60%.

Đại diện Sở Giao thông vận tải cho rằng, tỉnh chỉ thực hiện bù đắp phụ thu 1 chiều, nhưng kiểm soát thu hẹp thời gian phụ thu. Nghĩa là áp dụng mức giá phụ thu từ ngày 30/01/2021 đến ngày 10/2/2021 (tức ngày 18/12 đến 29/12 âm lịch) và từ ngày 15/2/2021 đến hết ngày 23/2/2021 (tức ngày 4/1 đến 12/1 âm lịch). Đây là mức tăng phù hợp với mặt bằng giá chung giữa các tỉnh.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Kon Tum dự báo, mức biến động giá cả thời điểm sát Tết Nguyên đán trùng với mức dự báo của Sở Tài chính tỉnh, ở mức từ 15 - 20%, là các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu tăng cao dịp này.

Nhiều năm nay, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành ổn định giá cả dịp Tết Nguyên đán; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, hiện nay chương trình bình ổn giá còn gặp nhiều khó khăn khi thời gian ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện chương trình chỉ trong 3 tháng, tập trung vào cuối năm. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn hàng vào thời điểm giữa năm, để giữ cạnh tranh về giá.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cả các mặt hàng thực phẩm, nông sản trên địa bàn tương đối ổn định, được kiểm soát chặt chẽ, nhất là mặt hàng thịt heo. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đủ đàn lợn, tái đàn kịp thời, không để thiếu nguồn cung, ảnh hưởng tới giá cả mặt hàng thiết yếu này.

Để thực hiện việc quản lý, điều hành và bình ổn giá trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời báo cáo UBND tỉnh có phương án điều hành phù hợp.

Đối với việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng trong năm 2021 như giá đất, giá vật liệu xây dựng..., Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành thẩm định giá đất, xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum; phối hợp với Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng làm cơ sở cho các đơn vị tham khảo lập dự toán và thanh quyết toán các công trình xây dựng.

Vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự trữ hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Đồng thời, phối hợp Ban chỉ đạo 389 của tỉnh kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao các sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động vào cuộc để quản lý, điều hành giá, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá là rất quan trọng để thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về giá, tránh hiện tượng té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý dịp lễ, tết, ông Tuấn lưu ý./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam