Dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về dịch vụ công trực tuyến

18:08 | 18/01/2021 Print
Sau nhiều năm triển khai, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Kho bạc Nhà nước TP. Cần Thơ đã trở thành đơn vị dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về triển khai áp dụng dịch vụ tiện ích này.

anh moi

Vận hành DVCTT tại KBNN TP.Cần Thơ. Ảnh: Gia Cư

Luôn duy trì 100% đơn vị tham gia

Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Cần Thơ Vũ Hải Sơn cho biết, để đẩy nhanh lộ trình thực hiện giao dịch điện tử trên hệ thống DVCTT, từ năm 2016 KBNN TP. Cần Thơ đã áp dụng thí điểm, rồi triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn, sau khi nhận thấy hiệu quả mang lại rất cao, rất tiện ích trước xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, cuối năm 2018 UBND TP. Cần Thơ đã có chỉ thị chuyên đề chỉ đạo về DVCTT đến toàn thể hệ thống KBNN trên địa bàn, giao cho các đơn vị, sở, ban ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) có giao dịch với KBNN chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Liên tục cho đến cuối năm 2020, KBNN TP. Cần Thơ luôn có số đơn vị tham gia DVCTT đạt tỷ lệ 100%, dẫn đầu khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm hiện tại, KBNN TP. Cần Thơ có 1.034/1.034 đơn vị bắt buộc đã tham gia giao dịch qua DVCTT, đạt tỷ lệ 100%; 97,58% tổng lượng chứng từ giao dịch phát sinh; 99,15% đơn vị thường xuyên gửi chứng từ giao dịch điện tử. Ngoài ra, KBNN Cần Thơ còn vận động được 33 đơn vị không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia và sử dụng hệ thống DVCTT của KBNN.

Đáng chú ý, trong số các đơn vị, địa phương thực hiện đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả DVCTT, KBNN huyện Vĩnh Thạnh được xem là điểm sáng khối quận, huyện tiên phong trong lĩnh vực này. Tại thời điểm 31/12/2019, 100% các đơn vị trên địa bàn đã tham gia và khai thác tối ưu hiệu quả DVCTT. Số lượng chứng từ mà các đơn vị chọn giao dịch bằng hình thức này đều thành công và tăng nhanh (2.721 chứng từ phát sinh, đạt 100%).

Giám đốc KBNN Vĩnh Thạnh Ngô Thanh Thoảng cho biết, để có được kết quả này, đầu năm 2019, đơn vị đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị trên địa bàn tích cực phối hợp tham gia DVCTT, tăng cường giao dịch chứng từ điện tử, từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ chứng từ giao dịch thủ công gửi hồ sơ bằng giấy, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ như: phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT Cần Thơ thường xuyên tập huấn, hỗ trợ khách hàng khi cần thiết thông qua điện thoại phản ánh; định kỳ tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết rút kinh nghiệm sau các đợt triển khai…

Lập nhóm trên zalo điện thoại thông minh

Cũng theo Giám đốc KBNN Vĩnh Thạnh Ngô Thanh Thoảng, mặc dù là huyện ngoại thành, điều kiện mọi mặt còn gặp nhiều khó khăn so với nhiều địa phương nhưng trong năm 2021 và những năm tiếp theo, KBNN Vĩnh Thạnh vẫn luôn xác định và dành sự quan tâm để duy trì phát triển hệ thống DVCTT trên địa bàn, đảm bảo phù hợp và thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT – Cần Thơ triển khai tập huấn phương pháp vận hành mới khi tham gia DVCTT thông qua việc tạo nhóm chát zalo cho các chủ tài khoản và kế toán trưởng của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Cũng thông qua hệ thống kết nối chứng thư số của Trung tâm VNPT, cán bộ tin học của KBNN sẽ hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách bằng hình thức online trực tuyến để vừa tạo thuận lợi trong hoạt động nghiệp vụ, vừa có tính bảo mật cao cho cán bộ công chức khi sử dụng.

Đến nay hầu hết các giao dịch viên KBNN Vĩnh Thạnh đã tạo lập và sử dụng thành thạo việc lập nhóm liên lạc trên ứng dụng zalo điện thoại di động với các kế toán trưởng của các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn để kịp thời chia sẻ, tương tác những thông tin, giải quyết những vướng mắc trong giao dịch.

Theo ban lãnh đạo KBNN Vĩnh Thạnh, đây được xem là yếu tố quyết định thành công của việc triển khai DVCTT trên địa bàn./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam