Kho bạc Nhà nước: Khẩn trương thực hiện mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ

20:18 | 17/01/2021 Print
(TBTCVN) - Bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện thí điểm mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi.

Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện đối chiếu số liệu ngân sách trên máy tính.

Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện đối chiếu số liệu ngân sách trên máy tính. Ảnh: Hạnh Thảo

Đây là một trong 4 nghiệp vụ về quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ.

Quản lý ngân quỹ nhà nước sẽ hiệu quả và an toàn

Tại Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ có quy định, ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên: tạm ứng cho ngân sách trung ương; tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn các khoản NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trong đó ưu tiên gửi tại NHTM có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn); mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP).

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, 3 nghiệp vụ (tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại NHTM) đã được KBNN triển khai đồng loạt trong thời gian qua. Riêng với nghiệp vụ về mua lại có kỳ hạn TPCP là một nghiệp vụ khá phức tạp, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, nên dự kiến vào ngày 1/4 tới đây, KBNN sẽ thực hiện thí điểm trước khi vận hành chính thức.

Thực hiện việc mua lại có kỳ hạn TPCP sẽ là bước hoàn thiện cuối cùng về các quy định cho phép sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi được Chính phủ quy định, đồng thời giúp công tác quản lý NQNN được an toàn, hiệu quả.

Không tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Việc mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ không tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, vì nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước là tiền trong lưu thông, tương tự như nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Đồng thời, trong quá trình điều hành ngân quỹ nhà nước, Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước cũng như công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước, do đó sẽ hỗ trợ việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Giải thích sâu hơn về tính an toàn, hiệu quả này, ông Lưu Hoàng cho biết, nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP gần như không có rủi ro đối tác (đối tác không thanh toán khi đến hạn) do KBNN dự kiến lựa chọn đối tác là các NHTM do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hàng năm, theo quy định của Nghị định số 24/2016/NĐ- CP). Hơn nữa, hoạt động mua lại có kỳ hạn TPCP là giao dịch có tài sản đảm bảo là TPCP và có tỷ lệ phòng vệ rủi ro để dự phòng cho việc giảm giá của TPCP. Do đó, trong trường hợp xảy ra rủi ro, KBNN có thể bán TPCP để thu hồi toàn bộ tiền gốc đầu tư (hoặc giữ lại TPCP để nhận tiền gốc, lãi cho đến khi đáo hạn). Đồng thời, việc mua lại có kỳ hạn TPCP còn giúp tăng nguồn thu nghiệp vụ của KBNN, vì vậy tăng số nộp ngân sách trung ương của KBNN hàng năm.

Đặc biệt, ông Hoàng cho biết, việc mua lại có kỳ hạn TPCP còn hỗ trợ phát triển thị trường TPCP khi giúp tăng tính thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp, từ đó tác động hỗ trợ trở lại đối với hoạt động phát hành của KBNN trên thị trường sơ cấp và góp phần thúc đẩy phát triển thị trường TPCP. Ngoài ra, hoạt động này cũng góp phần phát triển thị trường tiền tệ.

Một ưu điểm nữa của việc mua lại có kỳ hạn TPCP được chỉ ra. Đó là đảm bảo tính công khai, minh bạch hoạt động quản lý NQNN bởi đối tác giao dịch được mở rộng hơn so với nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM. Quy trình lựa chọn đối tác giao dịch được thực hiện theo hình thức đấu thầu điện tử trên hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán. Sau khi thực hiện giao dịch, các thông tin về khối lượng, lãi suất mua lại tương ứng với từng kỳ hạn được KBNN công bố trên trang thông tin điện tử của KBNN.

Khẩn trương thực hiện

Tháng 3/2019, KBNN đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế về lĩnh vực quản lý ngân quỹ, quản lý nợ, trao đổi thông lệ tốt trên thế giới về giao dịch mua bán lại, các chuyên gia khuyến nghị KBNN nên lựa chọn các đối tác giao dịch mua bán lại theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khuyến khích thị trường cạnh tranh, phù hợp với khối lượng giao dịch mua bán lại tương đối lớn của KBNN so với các đối tác khác. Về quy trình có thể thiết kế linh hoạt, phù hợp với mức độ phát triển từng quốc gia, từ chuyên nghiệp (như Cục Quản lý nợ Vương quốc Anh thực hiện đấu thầu giao dịch mua bán lại thông qua hệ thống đấu giá của Bloomberg, hoặc qua điện thoại có ghi âm) đến giản đơn, thủ công (như tại Chile, các chào giá được gửi qua email).

Với các khuyến nghị của các chuyên gia thế giới cùng với thực tiễn tại Việt Nam, KBNN đã trình Bộ Tài chính phương án thực hiện mua có kỳ hạn TPCP theo cơ chế đấu thầu và đã được Bộ Tài chính đồng ý với phương án này.

KBNN đã đặt ra kế hoạch đến ngày 1/4/2021 sẽ thực hiện thí điểm nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP. Do vậy, KBNN đang gấp rút hoàn thiện các điều kiện pháp lý như: ký biên bản thỏa thuận phối hợp giữa KBNN và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); ban hành quyết định của Tổng giám đốc KBNN về quy trình nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi của KBNN; xây dựng hợp đồng khung với NHTM. Với nhóm công việc này, KBNN đặt ra thời hạn hoàn thành trước ngày 15/3/2021.

Về các điều kiện kỹ thuật, KBNN cũng đang xây dựng hạ tầng công nghệ kết nối đến HNX, đảm bảo kết nối giao dịch từ xa và kết nối giao dịch internet với hệ thống giao dịch của HNX. Đồng thời, KBNNxây dựng bài toán nghiệp vụ chi tiết với HNX, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tác nghiệp tại KBNN. Với nhóm công việc này, KBNN đặt ra thời hạn hoàn thành trong tháng 2/2021.

Về tổ chức đào tạo nhân sự - yếu tố quyết định đưa đến thành công, ông Lưu Hoàng cho biết, KBNN đã kết hợp với HNX, theo đó, toàn bộ công chức kho bạc liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ này sẽ được HNX đào tạo trực tiếp. Với công việc này, KBNN đặt ra thời hạn hoàn thành trong tháng 3/2021.

Với kế hoạch đặt ra chi tiết và kỹ lưỡng, từ ngày 15 - 31/3/2021, KBNN sẽ thực hiện kiểm thử quy trình và trong tháng 4/2021, KBNN sẽ thực hiện thí điểm và quy trình sẽ được vận hành chính thức vào tháng 5/2021.

Ông Lưu Hoàng cho biết thêm, với việc thực hiện mua lại có kỳ hạn TPCP bằng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi, cơ chế pháp lý của việc quản lý ngân quỹ đã được hoàn thiện. Từ đây, công tác quản lý NQNN sẽ an toàn, minh bạch, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động phát hành TPCP của KBNN, vì khi KBNN tham gia giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP sẽ tăng giá trị giao dịch trên thị trường (do tăng nguồn cung vốn). Đồng thời, với việc thực hiện nghiệp vụ này cũng giúp KBNN ngày càng tiệm cận với thông lệ quốc tế, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cùng với nghiệp vụ đầu tư qua đêm, nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP là hoạt động đầu tư an toàn, được thực hiện chủ yếu, thường xuyên trong quản lý NQNN.

Thí điểm nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đặt ra kế hoạch đến ngày 1/4/2021 sẽ thực hiện thí điểm nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP). Do vậy, KBNN đang gấp rút hoàn thiện các điều kiện pháp lý như: ký biên bản thỏa thuận phối hợp giữa KBNN và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; ban hành quyết định của Tổng giám đốc KBNN về quy trình nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN; xây dựng hợp đồng khung với ngân hàng thương mại. Với nhóm công việc này, KBNN đặt ra thời hạn hoàn thành trước ngày 15/3/2021.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam