7 nội dung đột phá cải cách kiểm tra chuyên ngành

14:28 | 15/01/2021 Print
(TBTCO)- Tổng cục Hải quan đang khẩn trương triển khai đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

doanh nghiệp

Cán bộ hải quan giải quyết tờ khai hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Doanh nghiệp hưởng lợi từ cải cách KTCN

Ông Âu Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, những nội dung, công việc quan trọng liên quan đến Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (đề án KTCN) sẽ được cơ quan hải quan triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

Để triển khai đề án có tính chất cải cách đột phá, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các bộ, ngành cơ quan liên quan sẽ rất lớn, cần sự đồng bộ và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Với mục tiêu xuyên suốt của đề án KTCN nhằm tạo thuận lợi cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN cần chủ động nắm bắt 7 nội dung cải cách KTCN lớn tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

Theo phân tích của ông Âu Anh Tuấn, Cải cách 1 trong đề án KTCN là điểm nổi bật mang tính đột phá khi giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Lợi ích của việc này là việc cắt giảm đầu mối DN phải thực hiện thủ tục hành chính so với trước đây rất nhiều.

Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.

Cải cách 2 là áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.

Chuyển đổi phương thức kiểm tra này cho phép hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm. Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra.

Cải cách 3 cho phép cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan. Phương thức này cho phép hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra. DN không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra, nhờ đó, cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm).

Cải cách 4 là thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.

Áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

Cải cách 5 áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của DN. Theo đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc ngẫu nhiên (không quá 5%) để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Cải cách 6, bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 18 loại mặt hàng, đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu dựa trên việc áp dụng thống nhất thực hiện quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2019/NĐ-CP; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Cải cách 7, là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới nhằm hỗ trợ DN trong quá trình xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ DN công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu...

Cơ quan hải quan chủ động vào cuộc

Đề cập đến việc triển khai đề án KTCN, ông Âu Anh Tuấn cho hay, tại Quyết định 38/QĐ-TTg, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ chủ trì triển khai đề án. Lộ trình thực hiện Đề án KTCN, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023; Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026.

Để triển khai nhiệm vụ này, trước mắt, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trình Bộ Tài chính phê duyệt; bố trí nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản pháp luật và triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; giải pháp về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro; cũng như giải pháp về tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan…

Ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm, để triển khai các nội dung công việc, Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án KTCN giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Tổ trưởng); thành viên là đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ tổ chức, triển khai theo đúng các mục tiêu đề án, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa./.

Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của đề án một cách độc lập, khách quan, phần nào thấy được hiệu quả mang lại cho cộng đồng DN và cả nền kinh tế.

Cụ thể, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Căn cứ tỷ lệ KTCN năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam