Thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021: Bộ Tài chính tập trung triển khai quyết liệt 13 giải pháp trọng tâm

10:35 | 13/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, do đó, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021.

Cải cách hành chính từ lâu được Bộ Tài chính coi là khâu đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Cải cách hành chính từ lâu được Bộ Tài chính coi là khâu đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách

2021 là năm đầu nhiệm kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, nên Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã sớm ban hành nghị quyết để ngành Tài chính linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 13 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất đó là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Để thực hiện nhóm giải pháp này, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, chống thất thu, chống chuyển giá; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tài chính – ngân sách, nợ công tại các nghị quyết đề ra.

Về chi ngân sách, trong tổ chức điều hành năm 2021, Bộ Tài chính xác định thực hiện theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong chi ngân sách, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Chỉ có cải cách mới có phát triển

Từ lâu, ngành Tài chính đã xác định coi cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả… mới là cốt lõi của sự phát triển. Có như vậy, sẽ vừa hỗ trợ cho công tác quản lý của ngành, vừa hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, tại nghị quyết này, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đề ra nhóm giải pháp, xác định: tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính xác định, chỉ có thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức mới là thước đo quan trọng cho sự phát triển.

Do đó, năm 2021, ngành Tài chính sẽ tập trung đẩy mạnh hoàn thiện và phát triển hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng hệ thống pháp luật đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ 4.0; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài nhóm các giải pháp nêu trên, nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp, như: tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý giá theo cơ chế thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công; phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường và dịch vụ tài chính. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách…

Muốn đạt được mục tiêu, việc đặt những viên gạch đầu tiên là hết sức quan trọng. Bài học thời gian qua cho thấy, để ngành Tài chính đạt được nhiều thành công trong những nhiệm kỳ qua, đều phải phấn đấu bền bỉ từng ngày, từng tháng. Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị toàn ngành Tài chính phải nỗ lực ngay từ những ngày tháng đầu của năm với quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ tài chính – NSNN đề ra trong năm 2021, tạo đà cho các năm tiếp theo.

Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi

Ngành Tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4%, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi. Đồng thời, kiểm soát nợ công không quá 46,1% GDP, nợ Chính phủ không quá 41,9% GDP; kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%... Mỗi một chỉ tiêu đó, đều cần sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Tài chính.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam