Bài toán nhiều biến số trong quản trị công nợ khách hàng

10:24 | 11/01/2021 Print
(TBTCVN) - Việc cân đối mối liên hệ giữa nỗ lực đẩy cao doanh số trong kinh doanh và quản trị các khoản nợ từ đối tác luôn là bài toán phức tạp trong câu chuyện quản trị tài chính của các doanh nghiệp.

ga

Bên trong nhà máy sản xuất bình khí của Tổng Công ty Khí Việt Nam.

Không quản trị tốt có thể gia tăng nợ khó đòi

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS, sàn HoSE) vừa đưa ra kế hoạch ra quân năm 2021 với việc mở rộng thị trường, thị phần tiêu thụ nhưng phải giữ mức thấp nhất nợ quá hạn, nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi...

Nhìn lại các con số kinh doanh cơ bản năm 2020, các chỉ tiêu tài chính của PV Gas hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm từ 0 - 48%. Cụ thể, doanh thu đạt 66.181,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.905,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.882,7 tỷ đồng. Trong đó, các chỉ tiêu lợi nhuận và nộp ngân sách về đích trước kế hoạch 2-3 tháng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 16%, trên vốn điều lệ đạt 41%, nợ phải trả/tổng tài sản 23%.

boc

Đó là các con số kinh doanh cơ bản, nhưng để đánh giá thêm về chất lượng của các chỉ tiêu doanh số, các nhà quản lý doanh nghiệp đôi khi cần quan tâm thêm các chỉ số về khả năng thu hồi các khoản nợ của khách hàng. Mỗi doanh nghiệp cũng có một quan điểm bán hàng riêng, doanh nghiệp nếu siết chặt công nợ có thể làm làm khách hàng khó chịu, thậm chí rời bỏ. Nhưng một chính sách bán hàng quá nới lỏng thì doanh nghiệp cũng phải đối diện thực trạng phình to các khoản phải thu, theo đó nếu không quản trị tốt có thể làm gia tăng nợ khó đòi.

Đối với PV Gas, công ty này hiện chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết cả năm 2020, nhưng theo số liệu tại báo cáo tài chính quý III/2020, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đang có chiều hướng gia tăng từ mức 4.684 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.546 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020 (tăng 18,4%).

Nhìn vào danh sách khách hàng của PV Gas, những đối tác mua hàng có trạng thái nợ tiền với PV Gas nhiều hơn so với đầu năm có thể kể đến là Công ty TNHH MTV Gas Venus, Công ty BGN International, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí An Dương, Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân, Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí Alpha…

Chật vật kiểm soát nợ xấu

Hiện nay, PV Gas cho thấy vẫn kiểm soát tốt tình trạng nợ xấu, thể hiện các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi thậm chí có phần giảm nhẹ so với đầu năm, với số dư tại ngày 30/9/2020 là 311,8 tỷ đồng (đầu năm là 312,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, một số khoản nợ khó đòi của một vài doanh nghiệp tồn đọng thời gian dài chưa được xử lý, thậm chí còn có một số khoản bị phát sinh thêm. Chẳng hạn, các khoản nợ của các đối tác là Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí, Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí vẫn còn có một phần khoản nợ được đánh giá có thể thu hồi tại thời điểm đầu năm. Đến 30/9, các khoản nợ của các công ty này được đánh giá lại với toàn bộ các khoản nợ là nợ không có khả năng thu hồi.

Theo nguyên tắc tài chính ghi nhận nợ xấu mà PV Gas thực hiện, nợ xấu là những khoản nợ quá hạn thanh toán nhưng khách hàng vẫn chưa thanh toán. Giá trị có thể thu hồi được xác định bằng giá gốc các khoản phải thu trừ đi dự phòng phải thu khó đòi đã trích lập tại ngày báo cáo.

Tuy nhiên, việc đánh giá toàn diện thực trạng các khoản phải thu của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào rất nhiều biến số, tối thiểu trên cơ sở đặc thù ngành nghề và tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp bán buôn thường có tỷ trọng các khoản phải thu khách hàng tính trên doanh thu cao hơn so với doanh nghiệp bán lẻ. Lý do là khách hàng mua lẻ hay trả tiền ngay khi mua hàng, còn khách hàng mua buôn thường hay nợ tiền hàng.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cùng kinh doanh thương mại đối với các mặt hàng điện tử, điện máy nhưng con số tỷ trọng các khoản phải thu ngắn hạn so với doanh thu của họ vẫn khác nhau rất nhiều do mỗi doanh nghiệp vẫn có những đặc thù riêng.

Thế giới Di động có doanh thu thuần 9 tháng năm 2020 lớn gấp tới 9,6 lần so với doanh thu thuần của Digiworld. Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn hạn bình quân (số trung bình đầu kỳ và cuối kỳ) cho kỳ 9 tháng năm 2020 của Thế giới Di động chỉ gấp khoảng 2 lần so với Digiworld. Theo đó, tỷ lệ các khoản phải thu bình quân/doanh thu thuần của Thế giới Di động và Digiworld chênh lệch nhau rất xa, lần lượt là 2% và 9,8%. Dẫu vậy, con số này cũng chưa đủ để đánh giá rằng Thế giới Di động quản trị thu nợ khách hàng tốt hơn so với Digiworld, vì Digiworld là một doanh nghiệp thiên về bán buôn nên đương nhiên tỷ lệ phải thu ngắn hạn so với doanh thu của họ phải cao hơn một công ty chuyên bán lẻ như Thế giới Di động.

Hoàng Long

Hoàng Long

© Thời báo Tài chính Việt Nam