Hòa Bình: Sát sao thu hồi tạm ứng quá hạn vốn đầu tư công

10:18 | 11/01/2021 Print
(TBTCVN) - Thu hồi dư nợ quá hạn tạm ứng vốn đầu tư công là vấn đề nan giản của hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, tại Hòa Bình, trong năm 2020 vừa qua, địa phương đã làm rất tốt công tác này, nhờ đó số nợ quá hạn vốn ứng trước trong xây dựng cơ bản của tỉnh đã giảm hơn 100 tỷ đồng.

Công chức Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đang giải đáp các vướng mắc của đơn vị

Công chức Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đang giải đáp các vướng mắc của đơn vị giao dịch trong kiểm soát chi nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo

Thực hiện nhiều giải pháp giúp số dư nợ giảm dần

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hòa Bình cho thấy, trong tháng 1/2020, tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh là trên 615 tỷ đồng. Số dư tạm ứng chưa phải thu là trên 503 tỷ đồng và số tạm ứng quá hạn phải thu là trên 112 tỷ đồng.

Đáng chú ý có nhiều dự án dư nợ kéo dài đến 7 - 8 năm, thậm chí có dự án kéo dài tới tận 10 năm. Nguyên nhân của việc chưa thu hồi được nợ đọng được chỉ ra là do dự án không giải phóng được mặt bằng (người dân chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng); dự toán thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công và dự toán (bước 2) chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao. Chính vì vậy, với chức năng và nhiệm vụ được giao, KBNN Hòa Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, thực hiện đúng chế độ quy định trong việc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khi có đầy đủ hồ sơ, chứng từ gửi đến Kho bạc. Do đó, việc để số dư tạm ứng vốn đầu tư quá hạn sẽ dẫn đến việc nguồn vốn đầu tư không mang lại hiệu quả cao như mong đợi, ảnh hưởng đến việc thanh toán, chấp hành chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước.

Theo ông Thanh, với quyết tâm thu hồi dư nợ vốn quá hạn, các cấp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã rất sát sao với công tác này và giao KBNN Hòa Bình là đầu mối báo cáo. Theo đó, ngoài việc báo cáo hàng tháng, KBNN Hòa Bình đã đưa ra các giải pháp để thu hồi dư nợ với từng dự án.

Đơn cử như Tiểu dự án Đê ngăn lũ kết hợp đường giao thông Pheo Chẹ (đường 445) có số dư tạm ứng quá hạn trên 7,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của chủ đầu tư là do ban quản lý dự án đang gặp khó khăn về đôn đốc nhà thầu thu hồi nộp NSNN. Với dự án này, KBNN Hòa Bình đã yêu cầu Chủ đầu tư thu hồi phần vốn đã tạm ứng nộp NSNN.

Dự án đường xóm Chum đi xóm Hà, huyện Đà Bắc có số dư tạm ứng quá hạn 240 triệu đồng. Báo cáo của chủ đầu tư cho biết là dự án chưa bố trí đủ vốn. Ban quản lý dự án đang cùng nhà thầu tư vấn rà soát nghiệm thu khối lượng công tác khảo sát thiết kế để hoàn tạm ứng, chậm nhất đến ngày 30/10/2020 sẽ thu hồi tạm ứng xong. KBNN Hòa Bình đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán tạm ứng hoặc thu hồi nộp NSNN…

Với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo cùng với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, công tác thu hồi dư nợ vốn đầu tư công tại tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả cao. “Đây chính là một trong những kết quả nổi bật của KBNN Hòa Bình trong năm 2020 khi giảm được hơn 100 tỷ đồng nợ quá hạn ứng trước trong xây dựng cơ bản”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cần tính toán kỹ để có mức tạm ứng hợp lý

Năm 2020, KBNN Hòa Bình đã làm rất tốt công tác thu hồi dự nợ vốn đầu tư. Tuy nhiên, để việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, đúng quy định, tránh tình trạng tạm ứng quá hạn, KBNN Hòa Bình đã đưa ra một số kiến nghị.

Theo đó, chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn số tạm ứng quá hạn cần có báo cáo nêu rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm tình hình dư nợ tạm ứng quá hạn.

Với các dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng cần tính toán kỹ mức tạm ứng hợp lý, tránh việc tạm ứng xong nhưng không tổ chức thi công được. Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi, nếu quá thời hạn quy định và nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi hoàn trả NSNN theo đúng quy định.

Ngoài ra, với các dự án đang có số dư tạm ứng quá hạn, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán, đề nghị chủ đầu tư, ban quản lý cần thực hiện lập hồ sơ, chứng từ gửi đến Kho bạc kịp thời để thu hồi dư tạm ứng quá hạn, tránh để tình trạng Kho bạc phải tạm dừng thanh toán cho các nhà thầu đang có số dư tạm ứng quá hạn làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tạm ứng vốn

Để việc tạm ứng vốn đầu tư công mang lại hiệu quả cao, Kho bạc Nhà nước Hòa Bình cũng kiến nghị cần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tạm ứng cho các gói thầu và thực hiện tạm ứng theo đúng quy định hiện hành. Chủ đầu tư cần tính toán mức tạm ứng hợp lý cho từng gói thầu, quản lý chặt chẽ việc nhà thầu sử dụng số tiền tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng. Đồng thời, yêu cầu nâng cao trách nhiệm việc bảo lãnh tạm ứng đối với các gói thầu.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam