13 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021

13:29 | 09/01/2021 Print
Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 13 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2021.

kho bạc

Các đơn vị thuộc ngành Tài chính luôn lấy thước đo phục vụ người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Ảnh: T.T.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021.

Thu bền vững, chi tiết kiệm hiệu quả

Theo Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 13 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Trong đó, thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Để thực hiện nhóm giải pháp này, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, chống thất thu, chống chuyển giá; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tài chính – ngân sách, nợ công tại các nghị quyết đề ra. Đồng thời, phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4%, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; kiểm soát nợ công không quá 46,1% GDP, nợ Chính phủ không quá 41,9% GDP; kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Trong tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021, Bộ Tài chính xác định thực hiện theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong chi ngân sách, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.

Đồng thời, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Đẩy mạnh cải cách, coi doanh nghiệp là trung tâm

Ngoài ra, tại nghị quyết này, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đề ra nhóm giải pháp, gồm: tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Tài chính xác định sẽ thực hiện triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giải đoạn 2020 - 2025, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các nghị quyết của Chính phủ; thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển.

Năm 2021, ngành Tài chính sẽ tập trung đẩy mạnh hoàn thiện và phát triển hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng hệ thống pháp luật đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ 4.0; mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử; mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử; đẩy mạnh phối hợp thu qua hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài nhóm các giải pháp nêu trên, nghị quyết đã đề ra một số giải pháp, như: tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý giá theo cơ chế thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công; phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường và dịch vụ tài chính; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách; tăng cường và chủ động hội nhập tài chính quốc tế; đẩy mạnh thông tin truyền thông và quy hoạch phát triển các cơ quan báo chí ngành Tài chính…

Việc sớm ban hành nghị quyết thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ tài chính – NSNN đề ra trong năm 2021./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam