Bộ Tài chính thể hiện đúng bản lĩnh, vai trò "người canh giữ ngân khố quốc gia"

16:54 | 08/01/2021 Print
Về công tác pháp chế, Bộ Tài chính được đánh giá thực hiện bài bản, là một trong những bộ, cơ quan dẫn đầu về công tác pháp chế, cả về số lượng cán bộ, năng lực, trình độ, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

TP

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh.

Nhiều vướng mắc, bất cập trong chính sách được tháo gỡ

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá trong năm 2020, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ toàn diện các mặt công tác, bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và đạt nhiều thành tích nổi bật.

“Cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng với công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không phải là Bộ chuyên về xây dựng pháp luật, nhưng trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ, Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, là một trong những bộ ban hành và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong năm 2020, hoạt động xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Tài chính tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch bệnh, thiên tai lũ lụt. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế cũng tập trung mạnh vào đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp với kết quả ấn tượng.

Cùng với đó, chất lượng, tiến độ xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật ngày càng được đảm bảo. Đơn cử, năm qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 122 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chưa phát hiện vi phạm, “đây là nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh chất lượng xây dựng thể chế của chúng ta còn nhiều vấn đề phải bàn”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác rà soát hệ thống hoá, pháp điển hoá quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính cũng rất được quan tâm. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã triển khai rất tốt các nội dung của Quyết định 209 của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện, đề xuất, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, Bộ Tài chính với vai trò trưởng một nhóm rà soát đã làm nghiêm túc, đạt kết quả cụ thể, góp phần giúp Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo chất lượng của Chính phủ trình Quốc hội, được đại biểu Quốc hội đánh giá tích cực. “Là bộ ban hành rất nhiều văn bản pháp luật dưới luật, nếu coi nhẹ công tác này thì trong thực tế sẽ hết sức lúng túng”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.

Thẳng thắn, bản lĩnh, đúng vai trò "người canh giữ ngân khố quốc gia"

Về công tác pháp chế, Bộ Tài chính được đánh giá thực hiện bài bản theo truyền thống từ trước đến nay, là một trong những bộ, cơ quan dẫn đầu về công tác pháp chế, cả về số lượng cán bộ, năng lực, trình độ, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Đơn cử, trong phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện thường xuyên, hiệu quả với nhiều mô hình mới, là một trong những bộ tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với cộng đồng rất sớm, được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh.

Trong công tác phối hợp với các bộ ngành xây dựng chính sách pháp luật, Bộ Tài chính đã thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Là 1 trong 4 bộ bắt buộc phải có văn bản góp ý kiến trong quá trình lập và đề nghị xây dựng Luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này, với các ý kiến góp ý chất lượng, bản lĩnh, thẳng thắn, “đúng vai trò người canh giữ rất tốt ngân khố quốc gia, tài sản công”. Trong tổ chức hội đồng thẩm định, Bộ Tài chính cử cán bộ tham gia rất đầy đủ và chất lượng, ý kiến của cán bộ Tài chính tham gia được ghi nhận, thể hiện trong báo cáo thẩm định.

Về phương hướng nhiệm vụ trong 2021 và cả nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Bộ Tư pháp nhất trí cao với phương hướng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, trong đó tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, từ góc độ chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm một số vấn đề. Cụ thể là, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực của Bộ Tài chính thích ứng nhanh, hiệu quả với những thay đổi, yêu cầu mới. Sớm sửa đổi, bổ sung, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc trong các văn bản đã được ban hành, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi năm 2020, Chỉ thị 43 của Thủ tướng về nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản pháp luật… Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết giữa công tác tổ chức xây dựng pháp luật với việc hoạt động xây dựng hoàn thiện pháp luật, quan tâm nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ pháp chế.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hiệu quả cơ chế tài chính cho việc xây dựng và tổ chức ban hành văn bản pháp luật. “Kinh phí cho công tác này hiện rất khiêm tốn. Tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương, cắt giảm chi phí, thì hoạt động này sẽ càng khó khăn hơn”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam