Đang xác minh, làm rõ 92 xe hàng lậu từ Trung Quốc qua tỉnh Lào Cai

13:49 | 08/01/2021 Print
Nhiều vấn đề "nóng" đã được thông tin cụ thể tại buổi họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức, diễn ra sáng ngày 8/1/2021.

389

Lực lượng chức năng trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh thành tích cũng như hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả năm 2020. Ảnh: T.Uyên

Tại buổi họp báo, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia) đánh giá, tình trạng lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp.

Cụ thể, về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Ổn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với loại hình quá cảnh. Thực tế cho thấy đã thu được nhiều kết quả trong công tác này.

Điển hình, tháng 7/2020, lực lượng Hải quan đã tập trung cao điểm để triển khai kiểm tra trên 600 container, thực hiện kiểm tra từ 17-20% thực tế hàng hóa. Qua đó, đã phát hiện 75% hàng hóa vi phạm, chủ yếu là hàng giả được quá cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam đi Campuchia.

Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 22/12/2020, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an tiến hành khám xét 2 lô hàng của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại H.D.P.M và phát hiện, bắt giữ tổng cộng 51 chiếc sừng tê giác Châu Phi, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, mua bán, vận chuyển theo Công ước CITES về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, với tổng trọng lượng là 93,96 kg.

Trả lời câu hỏi của báo giới về tình hình xử lý 92 xe hàng lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành, tỉnh Lào Cai bị phát hiện hồi tháng 7/2020, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, hiện lực lượng chức năng đã hoàn tất việc khám xét, xác định giá trị, xác định chủng loại hàng hóa. Theo đó, 92 xe hàng tương đương khoảng 200 container, bao gồm các nhóm hàng cấm nhập khẩu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng đã qua sử dụng…

"Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ chủ thể, hành vi vi phạm và nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét khởi tố. Đồng thời, nếu lượng hàng hóa này có đủ căn cứ bán đấu giá sẽ được bán đấu giá công khai", ông Ổn thông tin thêm.

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc 42 tấn hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc được phát hiện tại cửa khẩu Cát Lái, ông Nguyễn Văn Ổn cho biết, toàn bộ số hàng hóa này được khai báo là găng tay sử dụng làm bếp có xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng xác định là găng tay cao su đã qua sử dụng, còn việc đó là găng tay sử dụng cho nhà bếp hay sử dụng y tế thì đang xác minh.

Cũng tại buổi họp báo, các cơ quan chức năng cũng đã có đánh giá về sự gia tăng mạnh mẽ về gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Theo đó, năm 2021, lực lượng 389 sẽ tập trung vào khu vực này.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã chia sẻ về một số khó khăn trong việc kiểm soát thị trường thương mại điện tử, từ việc xác định đối tượng, hành vi vi phạm, cho đến xác định chủ sở hữu website...

Hơn nữa, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, thực trạng các đối tượng lợi dụng các công ty chuyển phát để buôn hàng giả, hàng lậu gia tăng là đang có những bất cập về quy định trong Luật Bưu chính…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam