Ngành Tài chính: Chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

11:58 | 08/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020, Bộ Tài chính đã thành công trong việc vừa chống thất thu ngân sách, vừa tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhờ đó đã đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn bởi dịch Covid-19, tình hình thiên tai, bão lũ, đã ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách, ngành Tài chính đã chủ động triển khai đồng loạt các giải pháp, vừa cải cách thủ tục hành chính, giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa triển khai các giải pháp chống thất thu, thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Nhờ triển khai hiệu quả trên các mặt công tác, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

* Nhiều thành công trong cải cách thể chế

Công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Bộ Tài chính luôn xác định công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Năm 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính được đẩy mạnh. Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính năm 2020 tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian dịch Covid -19, trong suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các kết quả về cải cách TTHC đã được các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Trong đó, nhiều chính sách được cộng đồng người dân, doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao như nhóm các giải pháp về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tính từ đầu năm đến ngày 18/12/2020, đã thực hiện đánh giá tác động đối với 372 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thuế, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính ngân hàng. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến ngày 18/12/2020, Bộ Tài chính đã bãi bỏ 39 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 60 TTHC trong các lĩnh vực: hải quan, kho bạc, công sản, thuế và kế toán, kiểm toán, quản lý nợ, thuế. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Năm 2020 cũng là năm đột phá trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 977/977 TTHC của Bộ Tài chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100%, trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính đạt tỷ lệ rất cao (gần 60%).

* Vừa chống thất thu, vừa hỗ trợ tích cực người nộp thuế

Năm 2020, Bộ Tài chính đã thành công trong việc vừa chống thất thu ngân sách, vừa tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhờ đó đã đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong bối cảnh cực kỳ khó khăn.

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan theo dõi sát sao, trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế, xây dựng kịch bản đánh giá tác động đến thu NSNN tương ứng theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ chủ động trong ban hành các gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân,

doanh nghiệp và chủ động trong điều hành cân đối NSNN năm 2020, trong điều kiện nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm mạnh.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp từ Trung ương đến cơ sở thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Trong đó, tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra trị giá hải quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ…

Để góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách, các cơ quan thuế, hải quan đã kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm và hoàn thuế đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN. Với sự quyết tâm cao của các đơn vị trong hệ thống tài chính (thuế, hải quan, KBNN…), đồng thời, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị có liên quan, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, công tác thu NSNN năm 2020 đã đạt kết quả khả quan.

Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Năm 2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 85.059 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 91,98% kế hoạch năm 2020, bằng 88,38% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 819.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 72.686,03 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.658,99 tỷ đồng.

Năm 2020, cơ quan hải quan đã thực hiện 285 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã thu nộp NSNN 112,9 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thu vào NSNN 983,59 tỷ đồng từ kiểm tra sau thông quan; nộp NSNN là 486 tỷ đồng từ chống buôn lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.403 tỷ đồng.

Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, đến năm 2020, tổng số tiền thuế nợ 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 28.476 tỷ đồng, đạt 84,2% chỉ tiêu thu nợ giao. Cơ quan Hải quan đã thu hồi và xử lý 592,6 tỷ đồng nợ thuế. Cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và thu hồi được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào NSNN. Tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối năm 2020 do cơ quan thuế quản lý là 89.796 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.q

* Kịp thời miễn, giảm, giãn thuế phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền hàng loạt chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Điểm lại năm qua có thể thấy, nhiều giải pháp thuế, phí đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên...

Bên cạnh đó, đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách, như: tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân...

Đáng chú ý, trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư để sửa đổi 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí. Trong đó có nhiều loại phí giảm cao, như: giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50 - 70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

* Bóc gỡ nhiều đường dây buôn lậu, gian lận thương mại

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2020 hết sức phức tạp với nhiều diễn biến mới, nhưng nhờ tích cực, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, cơ quan hải quan đã triệt phá nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp.

Năm 2020, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng online.

Trên tuyến cửa khẩu đường bộ, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại, chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, quần áo, đồ chơi, hàng điện tử. Bên cạnh đó, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, lợi dụng sự khan hiếm của một số loại hàng hóa thiết yếu như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, thực phẩm,... các đối tượng thu gom, thực hiện vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng này để hưởng lợi chênh lệch với giá cao. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng diễn ra rất phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng ma túy lớn.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh tiếp tục diễn biến phức tạp; hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại kho hàng của bưu điện, kho hàng hóa nội địa, sau đó sử dụng dịch vụ bưu chính để chuyển đến khách hàng.

Trong nội địa, hoạt động gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng tinh vi với mục đích để xuất khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp…

Lực lượng Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ buôn lậu lớn.
Lực lượng Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ buôn lậu lớn.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng Chương trình công tác trọng tâm để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước. Nhiều chuyên đề được triển khai, như: đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam...

Tính đến hết 30/11/2020 toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ: 14.152 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, giảm 12,12%; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4.231 tỷ đồng, tăng 48,25 % so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu nộp ngân sách đạt 475 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2019.

Điển hình, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, phát hiện 205 vụ, bắt giữ 184 đối tượng; thu giữ hơn 82 kg và 219 bánh heroin; 16,02kg cần sa; 15,7 kg thuốc phiện; 23,01 kg và 412.464 viên ma túy tổng hợp; 646,6 kg ma túy đá...

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã tổ chức đấu tranh triệt phá thành công chuyên án buôn lậu thuốc lá điếu trên biển lớn nhất từ trước tới nay, thu giữ khoảng 8.549 kiện, tương đương 4.274.500 bao thuốc lá điếu các loại. Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc thuộc Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn tiến hành khám xét 5 container, phát hiện khoảng 103 tấn thảo dược.

Những chiến công đó được Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng ghi nhận.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

Nhóm phóng viên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam