Gỡ vướng về chính sách để công tác chống buôn lậu, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn

19:00 | 07/01/2021 Print
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt kết quả cao, cần sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định như tăng cường khâu kiểm tra hàng hóa chuyển phát nhanh, khai báo sơ bộ trước khi đưa hàng hóa vào khu vực biên giới, quy định về xuất xứ hàng hóa...

hai quan

Vụ Asanzo hiện vẫn không khởi tố được vì thiếu căn cứ pháp lý. Ảnh: TL

Cần kiểm soát chặt các luồng hàng hóa vận chuyển

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra sáng 7/1, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế nắm chắc tình hình vụ việc, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nhằm đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 16.750 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.974,2 tỷ đồng; khởi tố 47 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 144 vụ. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 80.392 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 21.638 tỷ đồng.

Trình bày tham luận tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian qua, các đối tượng vận chuyển ma túy hoạt động mạnh mẽ và mạnh động. Nếu như trước đây, các đối tượng chủ yếu đi qua khu vực đường mòn lối mở, thì thời gian qua, chúng ngụy trang hàng cấm để đi qua tất các khu vực cửa khẩu.

Trong năm, lực lượng Hải quan đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới như Biên phòng, Công an bắt giữ nhiều vụ việc “khủng”. Trong đó, điển hình là vụ việc phát hiện hơn 200kg ma túy được cất giấu tinh vi trong những pho tương gỗ qua hệ thống máy soi chiếu hành lý của cơ quan hải quan tại luồng nhập cảnh từ Lào về Việt Nam.

Đáng chú ý, trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức vận chuyển ma túy qua đường chuyển phát nhanh thông qua thương mại điện tử. Do đó, đại diện Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi chính sách quy định đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát nhanh. Trong đó, chú trọng khâu kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng, nhằm tránh tình trạng khi lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa vi phạm, đối tượng đã từ chối nhận hàng, hoặc không thừa nhận, bỏ hàng.

Ngoài ra, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn còn kiến nghị cần thực hiện khai báo sơ bộ trước khi đưa hàng hóa vào khu vực biên giới, cửa khẩu nhằm ngăn chặn từ xa hàng lậu, hàng cấm, hàng vi phạm…

Cấp bách sửa đổi quy định về xuất xứ hàng Việt

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ thêm, trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do còn tồn tại khoảng trống pháp lý khá lớn trong quy định về xuất xứ hàng hóa, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Trên thực tế, Tổng cục Hải quan kiến nghị nhiều lần về vấn đề này, hơn nữa Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần 1 năm trôi qua, vẫn chưa có biến chuyển.

“Việc không sửa quy định về xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi nhiệm vụ các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Hải quan, Công an, lực lượng tố tụng…”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan lấy ví dụ, năm 2020 đã bắt giữ hơn 100 vụ vi phạm gian lận xuất xứ về hàng hóa nhưng hiện nay vẫn đang “tắc” trong khâu xử lý. Đơn cử, trong đó vụ Asanzo, cơ quan Hải quan đã kiến nghị nhưng không xử lý, không khởi tố được vì thiếu căn cứ pháp lý.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ rõ: Công tác chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả tuy được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn phức tạp do nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo, đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, khai thác cát sỏi, chặt phá rừng, vi phạm môi trường, buôn lậu…, các lực lượng chức năng cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam