Năm 2020: Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, gian lận thương mại lớn

12:07 | 07/01/2021 Print
Trong năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp trên hầu hết các trận tuyến. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng 389, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bị xử lý.

hang lau

Tháng 12/2020, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, công an Quảng Trị bắt giữ vụ vận chuyển pháo lậu lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: T.L

"Nóng“ tình trạng buôn lậu qua biên giới đất liền

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại tuyến biên giới phía Bắc, địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhờ sự tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các đơn vị địa phương... nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng.

Tuy nhiên, hiện nay khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biễn phức tạp, hàng hóa chủ yếu là quần áo, đồ chơi, máy móc linh kiện điện tử... Điển hình, tháng 8/2020, Tổng cục Hải quan phối hợp các lực lượng phát hiện và kiểm tra 97 xe hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan tại Lào Cai, ước tính trị giá hàng hóa 200 tỷ đồng...

Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện, xử lý 1.238.653 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN hơn 116.963 tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng, góp phần từng bước kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.

Bên cạnh đó, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đà Nẵng…với các mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em... Đơn cử trong tháng 12/2020, lực lượng hải quan Quảng Trị đã phát hiện bắt giữ hơn 1 tấn pháo lậu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Ngoài ra, trên tuyến biên giới Tây Nam, địa bàn trọng điểm: Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang…các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Điển hình, tháng 10/2020, công an tỉnh An Giang tạm giữ 1 phương tiện vận chuyển trái phép 100 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam.

Đặc biệt trên tuyến này, nhất là ở Tây Ninh, Bình Phước xảy ra tình trạng hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh sau khi thực xuất qua biên giới, có một số lượng hàng hóa thẩm lậu trở lại Việt Nam, chủ yếu là hàng bách hóa, điện tử, điện lạnh,…

Gia tăng vi phạm tuyến hàng không, đường biển, bưu điện

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho thấy, trong năm 2020, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, xuất nhập khẩu thông qua hệ thống các cảng biển nước ta diễn ra rất phức tạp. Trong đó, trọng điểm là khu vực Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam bộ... với mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng, sản phẩm động vật thuộc danh mục CITES, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ...

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng cơ chế thông thoáng trong lĩnh vực Hải quan, như kiểm hóa (luồng xanh, vàng, đỏ), kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro… để khai sai mặt hàng, chủng loại, số lượng. Điển hình, tháng 3/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu nước ngoài buôn lậu hơn 3 triệu bao thuốc lá ngoại trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; tháng 5/2020, Hải quan Hải Phòng phối hợp với Công an Hải Phòng, cảnh sát biển bắt giữ 30 container có chứa 600 tấn quặng đồng nguyên khai trị giá 10 tỷ đồng...

Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như: vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà... Điển hình, tháng 7/2020, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì đã được triệt phá thành công, thu giữ gần 19 kg ma túy tổng hợp vận chuyển trái phép qua sân bay Nội Bài.

Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh, hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Trên tuyến này, mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử,... Đơn cử, tháng 6/2020, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ hơn 4 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ tại kho hàng quốc nội của VietnamAirline tại sân bay Tân Sơn Nhất và hơn 40 kiện hàng với gần 1.900 sản phẩm tại kho hàng nội địa Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài…

Năm 2021: Tập trung triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm 2020, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng thời, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách; tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để tạo thành các điểm nóng phức tạp, kéo dài.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam